Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại khu vực miền Trung, các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia về phòng, chống thiên tai, địa chất, thủy lợi ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Mong muốn các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Những chia sẻ của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến hết tháng 10, thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường trên nhiều vùng, miền cả nước với 16 loại hình thiên tai đã xảy ra. Với 9 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn, trên 49 tỉnh/thành phố; 15 trận lũ quét, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ; 79 trận động đất.
Từ cuối tháng 9 và đặc biệt trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Định) đã phải chịu ảnh hưởng lớn của 8 loại hình thiên tai gồm: bão, ATNĐ, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KTXH, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Phần trình bày tại Hội thảo do GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi chủ trì. Các nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp (công trình, phi công trình) nhằm giảm thiểu các thiệt hại do sạt lở đất và lũ lụt gây ra.
GS. Dương Quang Trung (Chủ tịch ngành Viễn thông ĐH Queen’s Belfast, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Vương Quốc Anh) trình bày công nghệ 5G ứng dụng giảm thiểu rủi ro thiên tai;
GS. Bùi Tiến Diệu (Đại học Đông Nam, Na Uy) trình bày về công nghệ địa không gian và mô hình toán để mô phỏng và dự báo lũ quét, sạt lở đất và GS Akihiko Wakai (Đại học Gunma, Nhật Bản) trình bày về giảm nhẹ sạt lở đất và lũ quét; GS Akihiko Wakai (Đại học Gunma, Nhật Bản) trình bày về giảm nhẹ sạt lở đất và lũ quét;
GS. Hitoshi Tanaka và TS. Nguyễn Xuân Tính (Đại học Tohoku) trình bày về cơ chế vỡ kè bờ sông ở thành phố Marumori do bão nhiệt đới Hagibis năm 2019.
Sự tham gia trực tuyến của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã giúp các nhà khoa học và chuyên gia hiểu rõ hơn về những diễn biến của thiên tai tại các địa phương này thời gian qua.
Theo GS. TS Akihiko Wakai, chuyên gia Địa kỹ thuật thuộc khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Gumma – Nhật Bản), thiệt hại bởi lũ quét và sạt lở đất gây ra do bão và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam vẫn đang gia tăng. Năm 2019, nhóm nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu điều tra một số khu vực xảy ra thiên tai nhằm thiết lập hệ thống dự báo và giám sát trượt đất, từ đó kiểm soát các thảm họa trong tương lai ở miền Trung của Việt Nam.
Bản đồ hiện trạng sạt lở đất của khu vực bị ảnh hưởng sẽ được xây dựng với việc sử dụng hình ảnh vệ tinh. Cơ chế thiên tai sẽ được phân tích chi tiết bằng cách sử dụng lượng mưa quan sát được và thông tin địa chất. Qua đó phát triển các bản đồ nguy cơ rủi ro địa phương nhằm chuẩn bị cho thiên tai.