Nhiều nguyên cán bộ Trường CĐ Nghề Bình Phước bị khởi tố: Lập khống danh sách học sinh, sinh viên diện chính sách để rút tiền

GD&TĐ - Nguyên Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Kế toán trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước (nay là Trường Cao đẳng Bình Phước) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về sai phạm.

Nhiều nguyên cán bộ Trường CĐ Nghề Bình Phước bị khởi tố: Lập khống danh sách học sinh, sinh viên diện chính sách để rút tiền

“Tham ô tài sản”

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đoàn Thế Nam (nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước, nay là Trường Cao đẳng Bình Phước).

Cùng bị khởi tố còn có ông Lê Thành Trung (nguyên Phó Hiệu trưởng), ông Nguyễn Trung Tín (nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán kiêm Kế toán trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước, về hành vi “tham ô tài sản”.

Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước là trường công lập, được thành lập năm 2015. Đến ngày 9/12020, trường này sáp nhập với Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước và Trường Cao đẳng Y tế Bình Phước thành Trường Cao đẳng Bình Phước.

Theo CQĐT, từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2018 - 2019, trường này đã lập các tờ trình kèm theo danh sách học sinh, sinh viên trúng tuyển nhiều hơn số trúng tuyển, tham gia học thực tế là 673 học sinh, sinh viên để trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí đào tạo, sau đó rút khống số tiền trên 6,28 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước.

Trong đó, ông Nam bị cáo buộc đã chấp thuận để cấp dưới lập khống danh sách học viên và ký tờ trình UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt danh sách học viên trúng tuyển cao hơn thực tế để được giao dự toán và quyết toán kinh phí không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý các nguồn thu phát sinh của trường; duyệt chi, nhận chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo cho bản thân không đúng quy định.

Sai phạm của ông Nam được cho là rất nghiêm trọng, có tính liên tục và kéo dài, gây dư luận xấu, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Ngoài ra, 3 ông này còn lập khống danh sách học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách (học sinh dân tộc nội trú) trúng tuyển tham gia học tại trường là đối tượng được Nhà nước chi trả tiền học bổng chính sách gồm: Tiền cơm, tiền tàu xe, tiền đồ dùng cá nhân, bảo hiểm y tế… để trình UBND tỉnh phê duyệt, rút khống số tiền hơn 7,7 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước, gây tổng thiệt hại trên 14 tỷ đồng.

Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng

Lực lượng cảnh sát đọc lệnh khởi tố, bắt giam ông Nam (áo sáng màu, thứ 3 từ phải sang).
Lực lượng cảnh sát đọc lệnh khởi tố, bắt giam ông Nam (áo sáng màu, thứ 3 từ phải sang).

Trước đó (ngày 26/6), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Phước đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đoàn Thế Nam, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Bình Phước vì những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ.

Cụ thể, ông Nam đã chấp thuận để cấp dưới lập khống danh sách học viên và ký tờ trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách học viên trúng tuyển cao hơn thực tế để được giao dự toán, quyết toán kinh phí không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Đoàn Thế Nam đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý các nguồn thu phát sinh của trường; duyệt chi, nhận chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo cho bản thân không đúng quy định.

Theo UBKT Tỉnh ủy Bình Phước, sai phạm của ông Nam là rất nghiêm trọng, có tính liên tục và kéo dài, gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức Đảng. Hành vi của ông Nam vi phạm Điều 8, Điều 9, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 47) về những điều đảng viên không được làm.

Đồng thời, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước cũng ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Trung Tín. Trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước, ông Tín đã cố ý đề xuất, trực tiếp tham mưu lập tờ trình kèm theo danh sách học viên khống để trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở được giao dự toán và quyết toán kinh phí gây thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền lớn.

Cụ thể, ông Tín thực hiện và tham mưu không đúng quy định trong công tác quản lý các nguồn thu phát sinh của trường; để ngoài sổ sách kế toán nguồn thu cổ tức từ Trung tâm đào tạo lái xe; trực tiếp tham mưu, đề xuất chi phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo cho Hiệu trưởng sai quy định. Ông Tín đã vi phạm Điều 9, Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm.

Riêng đối với ông Lê Thành Trung, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Cụ thể, trong thời gian giữ vai trò là Chi ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Bình Phước, ông Trung đã thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong việc lập khống danh sách học viên và ký quyết định công nhận danh sách học viên trúng tuyển năm học 2016 - 2017 cao hơn thực tế nhằm mục đích bảo vệ dự toán và quyết toán kinh phí sai quy định. Ông Trung đã vi phạm Điều 8, Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm.

Trước đó, năm 2019, Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Bình Phước đã nêu trong báo cáo kết luận thanh tra vụ việc: Trường CĐ Nghề Bình Phước là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động theo Công văn số 1983/UBND-TH ngày 16/6/2017, Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 3/6/2016 và Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh Bình Phước.

Quá trình thanh tra xét thấy Trường CĐ Nghề Bình Phước xảy ra nhiều bất cập. Cụ thể, đơn vị thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu thuê xe 4 chỗ trên 100 triệu đồng là chưa đúng theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

Thanh toán tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo (cho những người chưa được xếp vào mã ngạch có 2 chữ số đầu của mã ngạch là 15) với số tiền 157.992.120 đồng là chưa đúng quy định tại Quyết định 244/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

Đồng thời, chi học bổng học sinh dân tộc nội trú bằng hình thức cấp phiếu ăn mà thiếu sự đồng thuận của phụ huynh học sinh là chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 16/6/2016 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, các gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng đơn vị thực hiện không có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt là chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, báo cáo tài chính của đơn vị không bao gồm thông tin tài chính của đơn vị trực thuộc (Trung tâm đào tạo lái xe) là chưa đúng theo quy định của Chính phủ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.