Nhiều người mắc bệnh hô hấp do thời tiết nồm ẩm

GD&TĐ - Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị có xu hướng tăng, nhất là nhóm liên quan đến hệ hô hấp.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị có xu hướng tăng, nhất là nhóm liên quan đến hệ hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản, da liễu… trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, gần đây, thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao.

Cụ thể, từ 1 đến 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng 20 - 30% so với ngày thường. Chủ yếu là các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian gần đây cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng so với thời điểm trước. Trong đó, số bệnh nhân mắc cúm và viêm phế quản đến khám và điều trị trong tuần này tăng mạnh so với tuần trước. Nhiều trẻ nhập viện mắc bệnh lý viêm phổi hay một số bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...

Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), có khoảng 100 bệnh nhi điều trị. Trong đó, phần lớn trẻ mắc viêm phổi, cúm, sốt virus… Có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở oxy.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Đáng lưu ý, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó khoảng 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.

Còn tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây lượng bệnh nhân đến khám vì nấm da, dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Ước tính lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gần gấp đôi so với thông thường…

Bác sĩ Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển.

Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính nền sức khỏe kém cộng với yếu tố môi trường như vậy, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Đáng chú ý, theo bác sĩ Giang một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Theo đó, buổi sáng bệnh nhân có thể bình thường, nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ