Nhiều ngành mới 'trình làng', thí sinh cân nhắc lựa chọn

GD&TĐ - Nhiều ngành học mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh năm 2025, mở ra nhiều lựa chọn cho thí sinh và đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số.

Chuyên gia tuyển sinh của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tư vấn cho thí sinh. Ảnh: T.T
Chuyên gia tuyển sinh của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tư vấn cho thí sinh. Ảnh: T.T

Trong khuôn khổ ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng 2025 được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), nhiều thí sinh bày tỏ sự quan tâm đến các ngành học mới được các trường đại học công bố.

Thí sinh đặc biệt quan tâm là những ngành có tiềm năng phát triển trong kỷ nguyên số và gắn liền với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

ngo00072.jpg
Các ngành học mới về lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu...thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều thí sinh, phụ huynh. Ảnh: T.T

Tại gian tư vấn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Nguyễn Quốc Anh (ngụ phường Tân Bình, TPHCM) dành sự chú ý đặc biệt đến các ngành kỹ thuật mới, trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn.

Đây là chuyên ngành lần đầu tiên được nhà trường tuyển sinh đào tạo trong năm 2025, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. “Em được biết đây là một chuyên ngành có tiềm năng lớn trong thời gian tới nên thử tìm hiểu về chương trình đào tạo ở một số trường”, Quốc Anh chia sẻ.

Năm nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh 7.070 chỉ tiêu đại học cho 43 ngành chương trình tiêu chuẩn, 21 ngành chương trình tiên tiến, 11 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh và dự bị đại học bằng tiếng Anh, 13 ngành chương trình liên kết đào tạo quốc tế và dự bị liên kết đào tạo quốc tế, cùng 13 ngành tại phân hiệu Khánh Hòa.

Bên cạnh Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn, trường còn mở thêm một loạt chuyên ngành mới như: Du lịch (chuyên ngành Quản lý du lịch, Hướng dẫn du lịch), Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng), Tài chính – Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính quốc tế), Kiểm toán (chuyên ngành Kiểm toán và Phân tích dữ liệu), Luật (chuyên ngành Luật thương mại quốc tế).

cong-nghiep.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại gian hàng tư vấn của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Ảnh: T.T

Tại gian tư vấn của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nhiều thí sinh cũng được chuyên gia định hướng lựa chọn ngành học phù hợp.

Năm 2025, nhà trường mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới, gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Ngôn ngữ Trung Quốc, chuyên ngành Điện hạt nhân (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử), chuyên ngành Quản lý năng lượng (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt), và chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin). Tổng số chương trình đào tạo của trường hiện là 41.

Theo đại diện nhà trường, các ngành mới đều nhằm bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với định hướng đào tạo của Bộ Công Thương.

Trong khi đó, tại gian tư vấn của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), thí sinh Huỳnh Bảo Phú – đạt 27,25 điểm khối A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) – đặc biệt quan tâm đến ngành Năng lượng tái tạo.

Đây là chuyên ngành thuộc ngành Kỹ thuật điện, vốn đã được đào tạo từ lâu, nhưng năm 2025 là lần đầu tiên chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

bui-hoai-thang.jpg
PGS.TS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) giải đáp thắc mắc của thí sinh.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Chương trình Năng lượng tái tạo không chỉ tập trung vào lĩnh vực điện mà còn mang tính liên ngành, kết hợp với các ngành liên quan và giải quyết các vấn đề năng lượng sạch. Đây là ngành học có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay”.

Theo ông Thắng, ngành học này vừa mở ra triển vọng nghề nghiệp lớn, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa có một số ngành, chuyên ngành mới: Quản trị kinh doanh, Thiết kế vi mạch, Công nghệ sinh học số (chuyên ngành của ngành Công nghệ Sinh học), Kinh doanh số (chuyên ngành của ngành Quản trị Kinh doanh), Kinh tế Tuần hoàn (Chuyên ngành của ngành Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên).

bk2.jpg
Các trường đại học mang đến nhiều mô hình, thiết bị thực hành đến ngày hội tư vấn xét tuyển. Ảnh: HCMUT

Thống kê cho thấy, nhiều trường đại học năm nay đồng loạt mở ngành mới nhằm đáp ứng xu thế phát triển và nhu cầu nhân lực.

Chẳng hạn, Trường Đại học Tài chính – Marketing bổ sung 3 ngành đào tạo mới: Kiểm toán, Quản lý kinh tế và Khoa học dữ liệu.

Trường tiếp tục tuyển sinh theo 4 chương trình đào tạo: chương trình chuẩn, chương trình tích hợp, chương trình tiếng Anh toàn phần định hướng quốc tế và chương trình định hướng đặc thù.

Trường Đại học Công Thương TPHCM tuyển sinh 37 ngành đào tạo, trải rộng trên các khối ngành kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - tài chính, thực phẩm - môi trường và ngôn ngữ - luật - du lịch. Trong đó, trường tuyển sinh 2 ngành mới gồm Luật và Du lịch.

Sự “lên ngôi” của các ngành học mới cho thấy nỗ lực của các cơ sở đào tạo đại học trong việc linh hoạt thích ứng, đồng thời cũng phản ánh xu hướng lựa chọn ngành nghề của thế hệ thí sinh mới – thực tế, chủ động và gắn chặt với nhu cầu xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ