Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang diễn ra, nhiều ngành học dù khát nhân lực nhưng không nhiều thí sinh chọn, ngành Gỗ là một điển hình.
Khát nhân lực có trình độ ngành gỗ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành chế biến gỗ, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ thì hiện nay nguồn nhân lực ngành Chế biến gỗ đang thiếu trầm trọng. Với quy mô khoảng 300.000 lao động trong ngành chế biến gỗ thì số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành Chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông.
Trong khi đó yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10% /tổng số lao động (30.000 kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành phải còn thiếu đến hàng nghìn người/năm.
Đối mặt với cảnh khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực trình độ cao ngành gỗ, Ông Huỳnh Tấn Định-Trưởng phòng Nhân sự công ty cổ phần gỗ Thanh Dương cho biết “nhu cầu kỹ sư ngành Chế biến Lâm sản rất khó tuyển, vì số lượng sinh viên tốt nghiệp ít trong khi đó nhu cầu tuyển dụng lại rất lớn”.
Chung một trăn trở, ông Nguyễn Văn Huế, phụ trách tuyển dụng của công ty gỗ Tam Bình chia sẻ những năm gần đây, khi thị trường xuất khẩu của chế biến gỗ, nội thất của nước ta tăng trưởng rất mạnh, nguồn lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao cũng theo đó khan hiếm.
Ông cho rằng chính tâm lý của sinh viên trong việc lựa chọn ngành “hot” để học theo trào lưu xã hội đã khiến ngành Gỗ thiếu nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là nhân lực có chất lượng thì lại càng bị bỏ quên.
Sinh viên KHoa Lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ thực hành |
Khan hiếm nhân lực, học sinh vẫn thờ ơ
PGS.TS Vũ Huy Đại- Viện trưởng Viện công nghiệp Gỗ nhìn nhận dù hiện tại nhu cầu nhân lực ngành Gỗ của các Doanh nghiệp là rất lớn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ lượng sinh viên theo học ngành này vẫn chưa nhiều.
Đây là một thực tế theo PGS.TS Huy Đại không dễ thay đổi trong thời gian trước mắt khi công tác tư vấn ngành nghề của các trường vẫn qua chú trọng vào các ngành học hot của mình, cũng như công tác truyền thông và nhu cầu nhân lực ngành nghề, nhất là ngành gỗ chưa nhiều.
"Việc thí sinh bị “hút” quá nhiều vào những ngành kinh tế, bất chấp hệ số chọi và điểm chuẩn cao chót vót là nguyên nhân chính. Trong khi ngành Lâm học, chế biến Lâm sản nhiều năm điểm trúng tuyển chỉ hơn ngưỡng điểm đảm bảo một tí, tỉ lệ chọi cực thấp song nhiều trường vẫn đỏ mắt tìm không ra người học"-PGS.TS Đại cho biết.
Đồng quan điểm với PGS.,TS Vũ Huy Đại, PGS TS Phạm Ngọc Nam – Trưởng khoa Lâm nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM cũng cho rằng chính tâm lý là học ngành gỗ là phải lên rừng, phải vất vả và không sang nên dù có mức lương khá tốt sau khi ra trường, cũng như có một suất đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp nhưng nhiều thí sinh vẫn "né" học ngành này.
"Nhiều năm liên tiếp, trường ĐH Nông Lâm TPHCM luôn lấy điểm chuẩn của các ngành thuộc khoa Lâm học thấp hơn các ngành khác (ví dụ như năm 2017, 2018 các ngành khác thường lấy điểm trúng tuyển từ 19 điểmtrở lên thì các ngành thuộc Lâm nghiệp chỉ lấy từ 17,18 điểm) nhưng cũng không đủ chỉ tiêu.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển sinh, PGS.TS Phạm Ngọc Nam cho biết, hiện Khoa Lâm nghiệp nói riêng, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nói chung cũng đã có nhiều giải pháp để "hút" thí sinh đến với ngành học.
Cụ thể, bên cạnh các kế hoạch giúp tuyên truyền sâu rộng đến nhiều học sinh, nhà trường cũng đang có những ưu đãi cho sinh viên ngành này khi vào trường như chế độ học bổng, cam kết về chất lượng đầu ra, cam kết về việc làm cho sinh viên,…nhằm “trải thảm” đón sinh viên.