Nhiều nạn nhân mất tiền tỷ vì 'sập bẫy' tội phạm mạo danh công an

GD&TĐ - Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi.

Công an tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Công an tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đáng nói, dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn có nhiều trường hợp người dân “sập bẫy” bị lừa đảo hàng tỷ đồng…

Xưng công an để lừa đảo

Ngày 24/8, Công an TP Hà Nội tiếp tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.

Mới đây, Công an quận Hà Đông đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 2 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 18/8, Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông tiếp nhận đơn trình báo của bà Q (SN 1965; trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Đối tượng thông báo bà Q có liên quan đến một vụ án và yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra. Sau khi chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng cung cấp, bà Q biết bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Tương tự, ngày 12/8 vừa qua, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của chị P. (SN: 1980; ở quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Đối tượng thông báo chị P. có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản, chị P. phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, Công an quận Đống Đa cũng đã tạm giữ 3 đối tượng: Đoàn Trung D (SN: 1990; ở huyện Đông Anh, Hà Nội), Thới Minh Nh (SN: 1996; ở tỉnh Quảng Ngãi) và Trần Quang Đ (SN: 1996, ở tỉnh Quảng Ngãi) liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Các đối tượng này đã giả mạo cơ quan Công an và Viện Kiểm sát gọi điện thoại cho nạn nhân H. (SN: 1952; ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) thông báo liên quan đến vụ tai nạn giao thông và đường dây buôn bán ma túy.

Do lo sợ và tin tưởng là thật, nên ông H. đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho các đối tượng. Làm theo hướng dẫn, ông H. thấy tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,2 tỷ đồng. Biết bị lừa nên ông H. đã đến cơ quan công an để trình báo sự việc.

Không điều tra, xác minh qua điện thoại

Về tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Lê Minh Thái - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện vừa khởi tố điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến sử dụng công nghệ cao. Theo đó, đối tượng tên là Tùng (trú tại xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) với thủ đoạn tinh vi dùng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Đối tượng lên các nhóm Facebook đăng bán kit test Covid-19 và đồng thời sử dụng tài khoản Facebook khác để vào một số nhóm mua kit test. Sau đó, khi có người mua, người bán đối tượng Tùng đứng ra làm trung gian, yêu cầu người mua và bán cung cấp địa điểm giao dịch. Đến khi giao hàng, Tùng cho số tài khoản để người mua chuyển tiền vào tài khoản của mình và chiếm đoạt tài sản...”, Trung tá Thái lấy ví dụ.

Trung tá Lê Minh Thái cũng cho biết, với đặc thù là vùng nông thôn, để người dân biết được thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Công an huyện Phúc Thọ đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Trong đó, tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng công an để tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao cho người dân.

Công an huyện Phúc Thọ khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân như: Số điện thoại, chứng minh thư, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cho bất kì ai không quen biết hoặc chưa rõ nhân thân, lai lịch để không bị lợi dụng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân trên mạng.

Đồng thời, khuyến cáo người dân, tất cả các trường hợp gọi điện để điều tra, xác minh các vụ việc trên điện thoại đều là mạo danh cơ quan chức năng.

Trung tá Thái nhấn mạnh, người dân khi có các đối tượng gọi điện xưng là công an yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ... thì cần thông báo cho người thân, cơ quan công an để tìm hiểu rõ xem vụ việc đó có thật hay không để được lực lượng công an tư vấn, phòng ngừa việc tội phạm lợi dụng, giả danh công an chiếm đoạt tài sản.

Tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Công an quận thành lập nhóm Zalo giữa Công an khu vực với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm, niêm yết biển cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao ý thức cảnh giác…

Trong khi đó, quận Hà Đông (Hà Nội) với nhiều cách sáng tạo như triển khai “Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”, “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử”… đạt hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao giả mạo cơ quan công an để lừa đảo.

Tại quận Ba Đình (Hà Nội), ông Ngô Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND phường Thành Công - cho biết, hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của các phường và địa bàn khu dân cư liên tục tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, đồng thời đề nghị người dân khi gặp những tình huống tương tự cần cảnh giác.

“Khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè và thông báo ngay với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh…”, ông Ngô Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ