Bệnh hiếm gặp
Chửa ngoài dạ con là cụm từ quá quen thuộc với bác sĩ sản khoa và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đây là nỗi sợ với ai vừa đón nhận tin vui nhưng chưa biết phôi có di chuyển xuống dạ con hay không. Tuy nhiên, do bệnh có từ lâu nên việc phát hiện, xử lý ở cơ sở y tế hiện quá quen thuộc.
Thời gian qua, nhiều biến chứng trong quá trình mang thai được bác sĩ phát hiện khiến nhiều người giật mình. Đó là trường hợp nhau thai bám vào vết mổ cũ gây chảy máu, vỡ tử cung sảy thai hoặc gai nhau xuyên qua vết mổ cũ, bám vào cơ quan khác trong ổ bụng. Những trường hợp trên hiếm gặp nhưng đã từng ghi nhận gây khó khăn cho việc chuẩn đoán, xử lý triệt để.
Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cũng cấp cứu cho sản phụ sinh năm 1998 ở Kiên Giang do chửa ngoài tử cung. Bệnh viện tỉnh đã mổ bụng để loại bỏ khối thai nhưng không tìm thấy nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, bệnh nhân chửa ngoài tử cung nhưng chưa xác định được vị trí của thai nhi.
Phải bằng kết quả chụp cộng hưởng từ MRI mới xác định khá rõ khối bất thường có đường kính khoảng 60 mm nằm ở mặt dưới phân thùy giữa gan trái, ép vào thùy dưới và có thể làm tổn thương động mạch chủ bụng. Bác sĩ đã mổ nội soi để tránh tình trạng để lâu gai nhau xâm lấn, xuyên qua các phần của gan, cuống gan hoặc mạch máu chính làm bệnh nhân xuất huyết, tử vong. Trước đó, thai phụ 30 tuổi người Bến Tre, lần thứ 2 chửa ngoài dạ con nhưng lại ở vị trí dây chằng rộng, tuy không nguy hiểm bằng ở gan nhưng nếu vỡ có thể gây tử vong.
Một trường hợp hiếm gặp khác là sản phụ chửa ở trong và ngoài tử cung. Sản phụ 24 tuổi, mang thai lần đầu, hình ảnh siêu âm xác định một thai trong tử cung ở tuần thứ 8 và thai ngoài tử cung tuần thứ 6. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung, đồng thời dùng thuốc nội tiết giảm co thắt để giữ thai nhi trong buồng tử cung…
Đây là trường hợp hiếm gặp ở người thụ thai tự nhiên bởi từ trước đến nay mới được ghi nhận ở ca mang thai bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Theo ghi nhận của Hiệp hội Sản khoa Mỹ, số ca ở dạng hiếm trên là 1/30.000. Tương tự, trong các ca thai ngoài tử cung thì có đến 97% thai nằm ở vị trí vòi trứng; 3% còn lại ở các vị trí khác như cổ tử cung, sẹo mổ, ổ bụng, buồng trứng, gan, thận… Trong đó, thai nằm ở khu vực gan là cực kỳ hiếm gặp, khó xử lý và rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
Xuất hiện nhiều
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Bệnh viện Từ Dũ, nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung có thể là bất thường bẩm sinh ở vòi trứng; vòi trứng và buồng tử cung bị ảnh hưởng do viêm nhiễm, nạo phá thai và các bệnh lý phụ khoa khác, những tổn thương vi thể do thủ thuật buồng tử cung (nạo thai hay kỹ thuật hỗ trợ sinh sản)… Thai ngoài tử cung có tỷ lệ khoảng 0,45% - 1% trên các ca mang thai. Với những người từng mang thai ngoài tử cung thì tỷ lệ tái phát lên đến 20% - 25%. Đa số các trường hợp thai ngoài tử cung có thể được phát hiện khi đi khám.
Hiện bằng hình ảnh siêu âm 2 chiều, 4 chiều và với ca khó là cộng hưởng từ, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường của thai nhi. Tuy nhiên, kỹ thuật cộng hưởng từ chỉ được sử dụng khi xác định phải bỏ thai bởi nó không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Do vậy, có dấu hiệu đầu tiên của việc mang thai, chị em nên gặp bác sĩ để được theo dõi, tư vấn, tránh trường hợp thai nhi bất thường mà không biết.
Từ những bệnh nhân trên mới thấy câu nói “chửa cửa mả” của các cụ ngày xưa là sự đúc kết, là lời cảnh báo với những ai chuẩn bị làm mẹ và có ý định làm mẹ. Hãy trang bị kiến thức, theo dõi sát sao sức khỏe để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con suốt thai kỳ.