Khó khăn chồng chất...
Tỉnh Điện Biên gồm 19 dân tộc anh em (trong đó dân tộc Thái và dân tộc Mông chiếm gần 70%). Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa đặc sắc, gắn với cội nguồn, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt. Để bảo tồn, giữ gìn phát huy được bản sắc văn hóa, phải coi trọng hai yếu tố là ngôn ngữ và chữ viết.
Quán triệt tinh thần đó, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã đề ra có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), tuy đạt được một số kết quả khả quan song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Nguyên nhân được Sở GD&ĐT Điện Biên lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sách và nguồn nhân lực đào tạo đạt chuẩn. Chế độ đãi ngộ cũng chưa tương xứng để thu hút đội ngũ dạy môn học đặc thù này.
Cô Lò Thị Phượng, giáo viên dạy tiếng Thái tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện các trường cao đẳng trên địa bàn chưa mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nên các giáo viên dạy tiếng DTTS nên dẫn đến không có nguồn giáo viên đạt chuẩn về trình độ. Ngoài ra, tại các trường học, các giáo viên dạy tiếng DTTS chỉ kiêm nhiệm, không có vị trí việc làm cụ thể.
Thêm vào đó, nhiều học sinh DTTS không còn mặn mà với môn học tiếng mẹ đẻ nữa mà chuyển sang chọn học tiếng Anh để tiếp nối học chương trình cấp THCS và THPT. Đặc biệt, tôi cho rằng lý do khách quan còn là vì đa số các DTTS có tiếng nói và 2 bộ chữ viết trở lên hoặc không có chữ viết, chỉ có số ít DTTS có tiếng nói và một bộ chữ viết thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng một bộ chương trình và sách giáo khoa tiếng DTTS thống nhất.
Cô Phượng hy vọng thời gian tới lãnh đạo tỉnh Điện Biên và ngành GD&ĐT sẽ có những bước đi cần thiết với những công việc cụ thể để bảo tồn và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ngôn ngữ, chữ viết của các đồng bào DTTS trên địa bàn.
Còn nhiều việc phải làm
Hiện vấn đề dạy và học tiếng dân tộc không chỉ có trong các cơ sở giáo dục mà còn phổ biến trong nhiều cộng đồng người DTTS sinh sống. Xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, các nhóm cộng đồng đã tựu lại thành lập những nhóm, trung tâm học tập cộng đồng. Không thụ động chờ nguồn kinh phí của cấp trên hay hỗ trợ từ đề án bảo tồn của Nhà nước, các địa phương đã tự cân đối kinh phí hoạt động để tổ chức mở các lớp truyền dạy chữ Thái và chữ Mông cho người dân tham gia.
Tuy nhiên, ông Lò Ngọc Duyên, Trưởng Ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên trăn trở: Hiện nay, chữ viết của DTTS chỉ còn được lưu giữ được bởi những người già trong một số làng bản hoặc những nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng, nhưng số lượng những người này còn rất ít và quỹ thời gian với họ nhìn chung không còn nhiều nữa...; một số người tuy biết đọc nhưng lại không biết viết nên chữ viết của nhiều DTTS đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Mặt khác, nhân lực nghiên cứu chuyên sâu và tài liệu dùng để giảng dạy ngôn ngữ DTTS ở Điện Biên hiện còn hạn chế, khan hiếm và chưa có quy chế phối hợp, thống nhất giữa một bên là nghiên cứu, bảo tồn với một bên là giáo dục và đào tạo. Quá trình học tập, giao tiếp thực tế của người dân vùng này với tỉnh khác trong khu vực cũng gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất được bộ tài liệu học tập chung và còn xuất hiện biến thể, phương ngữ ở từng nơi… những vấn đề này cần phải được quan tâm giải quyết từng bước.
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn, điểm hạn chế trong công tác bảo tồn, dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, đảm bảo chế độ, quyền lợi của giáo viên và học sinh.