Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi – giáo viên Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Sách giáo khoa hướng đến toàn dân
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Quang Thi, việc thay đổi sách là quan điểm đúng đắn, giúp cho nền giáo dục phát triển, hội nhập với thế giới và hướng đến công dân toàn cầu. Bộ GD&ĐT đã có một thời gian dài để chuẩn bị, lộ trình đưa vào các cấp như vậy là phù hợp.
Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, hiện đại và thiết thực. Ngoài tính kế thừa còn gắn với thực tế cuộc sống và phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của mỗi địa phương. Với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị từng nhà trường của mỗi địa phương hiện nay thì sách giáo khoa triển khai hoàn toàn phù hợp vì không có trở ngại gì.
Được biết, trong quá 25 trình công tác, thầy Thi đã trải qua 3 lần thay sách giáo khoa. Mỗi lần thay sách luôn có cái mới và có tính kế thừa. Hai lần trước học sinh chỉ dùng một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn, lần này thì có nhiều bộ sách giáo khoa để các địa phương lựa chọn, có chú trọng đến tích hợp liên môn và học sinh bậc THPT được chọn môn để học nhằm hướng đến nghề nghiệp sau này.
Còn sách giáo khoa chương trình GDPT năm 2018 được thiết kế bài học rất sinh động, ngôn từ rõ ràng và lập luận chặt chẽ giúp giáo viên dễ dạy, dễ lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ngoài nội dung kiến thức thì có thêm hoạt động trải nghiệm giúp giáo viên tạo hứng thú học cho học sinh cảm nhận được sự gần gũi của cuộc sống.
Những lợi thế từ sách phiên bản điện tử
Thầy Thi cùng học trò của mình. Ảnh NVCC. |
Theo thầy Thi, chương GDPT 2018 có thêm sách phiên bản điện tử, rất lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình tra cứu và phù hợp với thời đại 4.0. Bên cạnh đó, việc có sách giáo khoa điện tử giúp học sinh ở mọi lúc, mọi nơi có thể nghiên cứu không nhất thiết phải mang theo sách hoặc khi sự cố không may quên sách có thể sử dụng sách giáo khoa điện tử để nghiên cứu.
Học liệu trong sách giáo khoa điện tử cũng phong phú, đa dạng và bắt nguồn từ một số ví dụ thực tiễn giúp học sinh dễ hiểu. Sách trình bày rất đẹp, chữ in to rõ ràng, chất lượng giấy in tốt sử dụng được lâu dài, nhiều hình ảnh thực tế đẹp, màu sắc phù hợp giúp học sinh dễ quan sát. Tạo ấn tượng tốt cho học sinh và giáo viên.
Kênh hình và kênh chữ trong từng bài được bố trí hài hòa làm nổi bật bài học. Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa có tính mở giúp nhà trường nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên linh hoạt, tự chủ khi bổ sung những nội dung kiến thức đặc thù, gắn với tình hình thực tế dạy học.
Sách giáo khoa được trình bày khoa học, rõ ràng, hấp dẫn, dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lí lứa tuổi học sinh qua từng bài học, đồng thời đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình, có tính giáo dục và tính thẩm mĩ cao.
Mỗi bài học trong từng bộ sách giáo khoa có dẫn dắt thông qua ví dụ thực tiễn để vào bài mới một cách tự nhiên. Ngoài ra, sách có chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức; bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết nhiệm vụ học tập và trong thực tiễn cuộc sống.
Mỗi bài học trong sách giáo khoa có khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, rèn kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Hướng đến việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực người học.
Sách thiết kế bài học rất sinh động, lập luận chặt chẽ giúp giáo viên dễ dạy, dễ lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
“So với các lần cải cách trước đây, lần này sách giáo khoa có nhiều bộ hơn. Ưu điểm là mỗi địa phương nhận thấy sách nào phù hợp thì chọn. Giáo viên và học sinh có nhiều nguồn tài liệu để tra cứu”, thầy Nguyễn Quang Thi chia sẻ.