Tại một hội thảo cách đây vài tháng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã thẳng thắn rằng, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy.
Việc này không những ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, đến niềm tin của người lao động vào hệ thống.
Phân tích rõ hơn, ông Hiểu cho biết, các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ tiền bảo hiểm xã hội để kinh doanh thay vì đi vay ngân hàng.
Lợi thế này không được pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Và dù đã có hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thực tế này được ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dẫn chứng cụ thể hơn tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) diễn ra vừa qua. Đó là số tiền doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2022 lên tới khoảng gần 10.000 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2022, số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài 3 năm lên tới 56% và cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Số lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người, trong đó, số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
Tình trạng doanh nghiệp nợ, thậm chí trốn đóng bảo hiểm xã hội không phải là mới và kéo dài từ lâu dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng hiệu quả chưa cao.
Điều này thể hiện qua việc từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ nào theo quy định tại Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng cơ bản nhất là do hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước.
Nhận thức của chính người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội cũng chưa đầy đủ nên có trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.
Có trường hợp hiểu biết về chính sách lại vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc cũng có trường hợp chưa thực sự quan tâm đến bảo hiểm xã hội, không nắm bắt thông tin về việc đóng - nộp của mình nên không có thông tin về việc chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Để khắc phục tình trạng này, khi thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều giải pháp đã được các đại biểu Quốc hội đề xuất. Đó là cần quy định cơ quan thuế thực hiện cả nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.
Nên quy định công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay; Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.
Đặc biệt, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Có như vậy, an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động mới được bảo đảm.