Để nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức lịch sử cho học sinh, Bộ GD&ĐT cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp:
Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của môn Lịch sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và niềm tự hào lịch sử của dân tộc, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh và giáo viên.
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình môn học Lịch sử, giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho các cơ sở giáo dục trung học, thực hiện sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; tăng cường xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, các mô hình, tư liệu, học liệu điện tử để bài học trở nên sinh động, gần gũi, hấp dẫn. Tổ chức dạy học, đặc biệt các môn Khoa học Xã hội thông qua di sản nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường trải nghiệm tạo niềm vui, hứng thú cho học sinh.
Chỉ đạo đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập: Không yêu cầu học thuộc lòng sự kiện và ghi nhớ máy móc; thực hiện thi, kiểm tra để đánh giá năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh theo hướng tăng dần các yêu cầu vận dụng kiến thức, ra đề "mở" gắn với các vấn đề thời sự của đất nước để học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp, trình bày ý kiến cá nhân...
Gắn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Từ năm học 2016 - 2017, Lịch sử được chọn làm môn thi trong tổ hợp môn Khoa học Xã hội, thu hút nhiều học sinh học và yêu thích môn học này hơn.
Về xác định môn Lịch sử là môn thi bắt buộc khi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT thông tin: Từ kỳ thi năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định Kỳ thi THPT quốc gia thi 5 bài thi, gồm 3 môn độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, trong đó có môn Lịch sử.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ phương án thi giai đoạn 2021 - 2025 (thi trên giấy) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo tinh thần phân cấp mạnh cho các địa phương với nội dung thi, hình thức thi, đề thi, thời gian thi cơ bản ổn định như năm 2019, 2020.
Như vậy, môn Lịch sử là môn học có mặt trong các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mặt khác, việc xét công nhận tốt nghiệp còn căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 của học sinh, trong đó có môn Lịch sử. Do vậy, trong quá trình học tập ở trường THPT, học sinh phải chú trọng đến học tập bộ môn Lịch sử.