Nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên mùa dịch trong năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2021 – 2022, nhiều cơ sở giáo dục đại học có chính sách hỗ trợ sinh viên nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và người học trước đại dịch Covid-19.

Trung tâm Hỗ trợ sinh viên còn hỗ trợ cho các sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH Quốc gia Hà Nội đang gặp khó khăn do dịch Covid-19
Trung tâm Hỗ trợ sinh viên còn hỗ trợ cho các sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH Quốc gia Hà Nội đang gặp khó khăn do dịch Covid-19

Không tăng học phí

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực Phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường sẽ trích nguồn quỹ học bổng và quỹ hỗ trợ sinh viên để chi hơn 30 tỷ đồng cho học bổng và các khoản hỗ trợ sinh viên năm học 2021-2022.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Nguyễn Văn Thắng (ĐH Quốc gia Hà Nội), tổng số sinh viên đang ở tại 3 KTX là hơn 1.000 sinh viên; trong đó có 98 sinh viên quốc tế.

Theo đó, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ sinh viên đã tặng quà, hỗ trợ sinh viên với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ dừng lại việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho sinh viên, vì với chúng tôi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm. Mong rằng, các bạn sinh viên cùng chúng tôi vượt qua khó khăn trong giai đoạn này; từ đó, yên tâm học tập tại KTX và thực hiện tốt yêu cầu giãn cách để phòng chống dịch bệnh” - Phó Giám đốc TT Hỗ trợ sinh viên chia sẻ.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh hỗ trợ sinh viên nhu yếu phẩm
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh hỗ trợ sinh viên nhu yếu phẩm

Trường ĐH Ngoại thương đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh viên (hệ đại học chính quy các khóa từ K59 trở về trước, đang học tập tại trường, xét theo năm học 2021-2022) trong mùa dịch Covid-19.

Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương đưa ra nhóm các giải pháp về hỗ trợ học phí như: tiếp tục "đóng băng", không tăng học phí đại học chính quy áp dụng cho năm học 2021-2022 (đây là năm thứ hai liên tiếp nhà trường không tăng học phí, mặc dù theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, lộ trình tăng học phí mỗi năm khoảng 7-10%).

Cùng đó, nhà trường hỗ trợ số tiền tương đương 7% học phí phải nộp học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với sinh viên đại học chính quy.

Nhóm giải pháp thứ hai là hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các mức hỗ trợ tương đương 100%, 70%, 50%, 30% học phí căn cứ theo hồ sơ và các minh chứng, xác nhận (sinh viên nộp hồ sơ theo thông báo cụ thể của nhà trường).

Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ sinh viên bằng hình thức cho vay vốn tín dụng thông qua Quỹ học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất cho vay là 0% trong thời gian học tập.

Hỗ trợ bằng chính sách học bổng

Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực và phát triển cá nhân cho sinh viên trên các nền tảng trực tuyến. Trong thời gian tới, sẽ bổ sung các chính sách hỗ trợ hoạt động trực tuyến của các câu lạc bộ sinh viên; đồng thời sẽ có các hình thức hỗ trợ sinh viên linh hoạt, kịp thời căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Trường ĐH Mở Hà Nội hỗ trợ sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Trường ĐH Mở Hà Nội hỗ trợ sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Gần 700 sinh viên khó khăn cũng đã được Trường ĐH Mở Hà Nội hỗ trợ với các mức: 50% học phí; hỗ 1 triệu đồng tiền mặt; nhu yếu phẩm. Tổng số tiền hỗ trợ sinh viên từ khi có dịch Covid-19 khoảng 1,8 tỷ đồng.

Thuê trọ tại Phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Thọ - sinh viên Ngành Công nghệ Thông tin (hệ đào tạo từ xa) cùng vợ đều mất việc do đại dịch Covid-19. Sự hỗ trợ kịp thời của Trường ĐH Mở Hà Nội cũng là động lực để anh tiếp tục việc học của mình.

“Giữa rất nhiều gia đình gặp khó khăn, tôi thấy mình may mắn khi được an toàn và nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường. Cảm ơn Trường ĐH Mở Hà Nội đã cho tôi thấy cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp và ý nghĩa” – anh Thọ bộc bạch.

Theo Đề án tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thực hiện tăng học phí 10% cho năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhà trường quyết định không tăng học phí đối với nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong năm 2021.

Việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và người học.

Ngoài ra, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội còn tiếp tục duy trì các chính sách, chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách nội trú, học bổng khuyến khích học tập, học bổng Nguyễn Thanh Bình, học bổng doanh nghiệp, quà tặng sinh viên tàn tật, khen thưởng sinh viên với tổng giá trị mỗi năm gần 30 tỷ đồng.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Bộ GD&ĐT đề nghị, bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.