Nhiều giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông

GD&TĐ - An Giang tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể kinh lá buông".

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: C.M)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: C.M)

Ngày 11/5, tại Chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông”.

Theo Thượng tọa, thạc sĩ Thạch Nê - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban, kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước và Đại đức, thạc sĩ Danh Hữu Lợi - Uỷ viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, người Khmer có tiếng nói và chữ viết, riêng hệ thống kinh sách được sử dụng theo hệ ngữ Pali. Từ đó ngữ hệ Pali tiếp biến vào ngôn ngữ Khmer, làm cho ngôn ngữ Khmer đa dạng và phong phú.

Về chữ viết, người Khmer đã ghi chép trên bia đá, lá buông (satra), sau này là giấy. Những ghi chép này phản ánh quan niệm, những suy nghĩ, những kinh nghiệm về cuộc sống vật chất và tinh thần của nhiều thế hệ.

Đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: C.M)

Đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: C.M)

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tọa, thạc sĩ Thạch Nê cho biết, kinh lá buông chứa đựng nội dung giáo lý của Phật giáo, triết học, kinh nghiệm sống, văn thơ, những mẩu truyện dân gian đúc kết lại.

Ngoài ra, kinh lá buông còn ghi chép lại những khía cạnh về cuộc sống văn hóa, xã hội của người Khmer từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi. Kinh lá buông được xem như một quyển sách, ghi lại những thông tin, lưu giữ và bảo tồn văn hóa bản địa.

Trong Phật giáo, kinh lá buông lưu giữ lại Tam tạng kinh điển, Satra Sêch-sa, Satra Pra-vê-ni, Phật tích, truyện ngắn liên quan đến đức Phật và được dùng phổ biến trong các buổi thuyết pháp nhân dịp lễ lớn nhỏ theo truyền thống Phật giáo.

“Kinh lá buông là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer, được truyền từ đời này sang đời khác.

Ngoài ra, kinh lá buông còn mang giá trị lịch sử to lớn đối với người Khmer, thông qua số năm được viết trên trang đầu của satra và cũng có những satra người viết không để lại năm, thông qua đó có thể nhận biết đôi nét về phong tục và nền giáo dục của người Khmer thời xưa”- Thượng tọa, thạc sĩ Thạch Nê khẳng định.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường trong cả nước; các Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức trụ trì các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tham luận tập trung làm rõ: bối cảnh ra đời Sas-tra Slâc Rít “Sách lá buông”; quá trình phát triển kinh lá buông và những bộ sưu tập kinh cổ viết trên lá buông ở các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang; kinh lá buông - di sản văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ; giá trị văn hóa nghệ thuật Phật giáo của người Khmer An Giang qua nghệ thuật chế tác kinh lá buông.

Đại biểu tham quan trưng bày kinh lá buông bên lề hội thảo. (Ảnh: C.M)

Đại biểu tham quan trưng bày kinh lá buông bên lề hội thảo. (Ảnh: C.M)

Cùng đó, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản kinh lá buông như: kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị cho công tác bảo tồn và quảng bá di sản “kinh lá buông” ở tỉnh An Giang; phát huy giá trị văn hóa kinh lá buông trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở An Giang hiện nay; bảo tồn và phát huy Kinh lá buông - di sản văn hóa, lịch sử, tôn giáo của người Khmer Nam Bộ,…

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, các hoạt động nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, khắc chữ trên lá buông cũng như giữ gìn các bản kinh lá buông đã có là điều rất cần thiết. Đó không chỉ là vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản kinh lá buông, phương pháp hữu hiệu để phát huy giá trị di sản mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản kinh lá buông, đưa kinh lá buông của Việt Nam vào bản đồ các nghiên cứu về sách viết lá trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.