Nhiều giá trị cộng thêm từ thu hút sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Đa dạng hóa quốc tịch của sinh viên sẽ góp phần tạo môi trường đa văn hóa, thúc đẩy quốc tế hóa đại học.

Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế thu hút đông đảo lưu học sinh và sinh viên đón chào năm mới tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.
Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế thu hút đông đảo lưu học sinh và sinh viên đón chào năm mới tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

Tạo dựng môi trường đa văn hóa

Sinh viên Esteban (Trường Đại học Côte d’Azur, Cộng hòa Pháp) đã chọn học tập trao đổi ngành tại Marketing Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Tôi đến từ Pháp và tôi chưa đi du lịch nhiều.Trường đại học của tôi ở Pháp cung cấp chương trình trao đổi sang Canada, Croatia hoặc bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Nhưng tôi chọn Việt Nam để trải nghiệm về văn hóa, vì châu Âu vẫn có môi trường khá giống nhau giữa các quốc gia”. Esteban đặc biệt thích khám phá ẩm thực, kiến trúc, cảnh quan và lịch sử của Việt Nam.

Chia sẻ cảm xúc khi học tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, Esteban vui vẻ cho biết: “Tôi rất được chào đón khi đến Việt Nam. Bộ phận hỗ trợ sinh viên đã giới thiệu cho tôi một số căn hộ để lựa chọn. Khi bắt đầu học tập tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, tôi rất lo lắng nhưng cuối cùng thì các giảng viên đều rất tốt, nói tiếng Anh tốt và các bạn cùng lớp cũng rất tốt với tôi”.

Esteban (bên phải) trong một buổi học tập tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.Ảnh: Thanh Hoàng
Esteban (bên phải) trong một buổi học tập tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.Ảnh: Thanh Hoàng

Theo nhận xét của Esteban, cách tổ chức các khóa học của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng khá giống với Pháp. Ngoài học trực tiếp, vẫn duy trì hình thức học trực tuyến nên giúp ích rất nhiều cho việc ôn tập, làm việc nhóm, kiểm tra... “Giảng viên luôn trả lời các câu hỏi của tôi và luôn sẵn sàng trả lời email của tôi. Việc chấm bài cũng rất công bằng. Tôi rất thích trò chuyện với giảng viên của Nhà trường”.

Từ những trải nghiệm của bản thân trong thời gian học trao đổi tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, Esteban cho biết mình đang giới thiệu cho những người bạn Pháp của mình. Và mong ngày càng nhiều sinh viên từ Đại học Nice Côte d'Azur ở Pháp sẽ tận dụng môi trường sống và học tập đặc biệt này để có những trải nghiệm văn hóa thú vị.

Cho Hanbe (người Hàn Quốc), hiện là sinh viên năm thứ 4, Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Cả gia đình Cho Hanbe chuyển đến Đà Nẵng sinh sống vì công việc của bố. Cho Hanbe chọn theo học đại học tại thành phố biển.

Theo Cho Hanbe, lúc đầu, sinh viên ngoại quốc khó khăn để học ngôn ngữ mới và thích nghi tại môi trường mới. Nhưng thầy cô, bạn bè luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ; đồng thời các hoạt động chào đón sinh viên, học kỳ quân sự, ngày hội văn hóa, giao lưu thể thao… đã giúp Cho Hanbe cũng như các lưu học sinh tự tin hơn rất nhiều.

Năm học 2022-2023, ĐH Đà Nẵng có 717 sinh viên và học viên người nước ngoài theo học tại các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc, chiếm tỉ lệ 1,69% so với tổng số sinh viên. Trong đó, phần đông là đến từ các quốc gia Đông Nam Á và châu Á; còn lại đến từ Úc, Vương quốc Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Litva, Hungary, Thụy Điển, Đức, Nigieria.

Luồng sinh khí mới từ sinh viên quốc tế

PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đào tạo sinh viên quốc tế là một trong những nội dung chiến lược của ĐH Đà Nẵng. Việc thu hút sinh viên quốc tế không những đem lại giá trị cho người học, kết nối, trao đổi phát triển học thuật, mà còn góp phần nâng cao uy tín, kiến tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học.

Theo nhận xét của PGS.TS Dương Minh Quân, Phó Trưởng ban Công tác HSSV, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Riêng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, chất lượng tiếp thu của phần lớn sinh viên nước ngoài khá tốt. Thông thường, sinh viên quốc tế thường gặp khó khăn trong thích nghi với hệ thống giáo dục mới, đặc biệt là khi có sự chênh lệch về ngôn ngữ”. Nhiều sinh viên quốc tế còn gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức, khi đi vào học chuyên ngành, dẫn đến kết quả học tập chưa được tốt.

Lưu học sinh và sinh viên Việt Nam cùng chơi các trò chơi dân gian trong Chương trình "Tết trong tôi-2024" tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: ĐH Đà Nẵng.

Lưu học sinh và sinh viên Việt Nam cùng chơi các trò chơi dân gian trong Chương trình "Tết trong tôi-2024" tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: ĐH Đà Nẵng.

Các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đều tăng cường dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, cho sinh viên quốc tế. Chương trình đào tạo thiết kế thêm các tín chỉ từ tiếng Việt cơ bản đến tiếng Việt nâng cao, tiếng Việt chuyên ngành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên theo học các học phần chuyên ngành của chương trình đào tạo. Trường cũng chủ động bố trí sinh viên quốc tế làm việc nhóm với sinh viên bản địa ở các học phần có tổ chức học nhóm, làm chung chuyên đề, đồ án,….

Ngoài bảo đảm bố trí chỗ ở cho sinh viên tại Ký túc xá của trường mình; các trường còn tổ chức chương trình Homestay, có chính sách hỗ trợ cho các gia đình cho phép sinh viên quốc tế đến lưu trú và học tập. Riêng Trường ĐH Kinh tế có ký túc xá dành riêng cho sinh viên quốc tế rất khang trang, có trang thiết bị hiện đại, điều kiện sinh hoạt đa dạng, tiện nghi, có bếp ăn riêng, có thể tự nấu ăn.

Với xu hướng quốc tế hóa đại học, ngoài giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế thì việc tuyển chọn sinh nước ngoài đến học tập sẽ tạo cách nhìn đa dạng hơn cho sinh. Muốn muốn quốc tế hóa được thì phải có sinh viên quốc tế để tạo môi trường đa văn hóa. Với việc sinh viên tiếp xúc, hiểu biết về cách nghĩ, cách làm việc và các nền văn hóa khác nhau là rất quan trọng, tạo điều kiện cho sinh nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 của Thủ tướng chính phủ, quốc tế hóa giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm và thu hút sinh viên quốc tế là một giải pháp quan trọng. ĐH Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hoá cao để thu hút thêm nhiều lưu học sinh, đặc biệt là lưu học sinh Lào.

Các trường chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế với nhiều đối tác, ngày càng có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho lưu học sinh, thực tập sinh và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác để tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.