Hai bên thống nhất thành lập một địa điểm “Hub” đặt tại Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT - ĐH Đà Nẵng để kết nối với Liên minh Ulysseus nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của ĐH Đà Nẵng; mở ra giai đoạn hợp tác phát triển mới vì lợi ích chung trong bối cảnh hội nhập ĐH Á - Âu.
Hợp tác toàn diện giữa ĐH Đà Nẵng Liên minh Ulysseus mở thêm cơ hội trong trao đổi giảng viên, sinh viên; đổi mới quản trị ĐH gắn liền với chuyển đổi số; tìm kiếm các dự án do các Chính phủ và tổ chức quốc tế, đặc biệt từ EU tài trợ. |
Trước đó, tháng 6/2023, ĐH Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa ĐH Đà Nẵng với ĐH Côte d’Azur (Cộng hòa Pháp, thành viên của Liên minh Ulysseus). Qua đó, ĐH Đà Nẵng được đồng ý về chủ trương để chuẩn bị lộ trình được tham gia là thành viên của Liên minh Uysseus.
Liên minh Ulysseus bao gồm: ĐH Côte d’Azur (Pháp), Trường ĐH Sevilla (Tây Ban Nha), Trường ĐH Genoa (Ý), Trường ĐH Kỹ thuật Košice (Slovakia), Trường Kinh doanh MCI (Áo), ĐH Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan), Trường ĐH Zitet Crne Gore (Montenegro) và ĐH Münster (Đức). Việc ĐH Đà Nẵng triển khai hợp tác toàn diện, hiệu quả và lâu dài với Liên minh Ulysseus sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
ĐH Đà Nẵng hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 trường ĐH thuộc Liên minh Châu Âu (EU), qua đó đem lại nhiều cơ hội cho cán bộ/giảng viên, sinh viên đến học tập, nghiên cứu tại các trường ĐH hàng đầu của Châu Âu; hỗ trợ nâng cao năng lực, tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH.
Nằm trong chuỗi hoạt động, Liên minh các trường ĐH châu Âu Ulysseus đã có các phiên hội thảo chuyên đề với các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng.
Trong đó, ngày 24/10, Hội thảo với 2 chủ đề Giáo dục thông minh - trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và Đô thị xanh được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật. Một số vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo được các chuyên gia đề cập như: Từ EMVITET (Dự án phát triển năng lực giáo viên hướng đến giáo dục 4.0) đến trí tuệ nhân tạo: Đổi mới phương pháp học tập ở bậc đại học, nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao kỹ thuật số…
Ngoài các báo cáo được trình bày tại phiên chung, còn có phiên thảo luận bàn tròn cùng chủ đề. Các chuyên gia, nhà khoa học... đã đề xuất ý tưởng, định hướng, giải pháp triển khai...
Cùng ngày, Hội thảo với chủ đề “Văn hóa, Nghệ thuật và Di sản” (Culture, Art and Heritage) diễn ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ. Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu và học viên đến từ các trường ĐH Châu Âu và Đà Nẵng chia sẻ những báo cáo mới nhất về sự phát triển, thành tựu và kết quả nghiên cứu. Hội thảo cũng là dịp để các bên tìm kiếm và khám phá các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và di sản.
Ngày 25/10, các hoạt động học thuật giữa Liên minh Ulysseus và ĐH Đà Nẵng sẽ được tiếp tục với diễn đàn Ulysseus-Danang với chủ đề hợp tác đào tạo - nghiên cứu - sáng tạo thành phố “thông minh” (UDERIF-2023).