Nhiều dự án thuỷ điện ở Kon Tum khiến người dân lo lắng

GD&TĐ - Nhiều dự án thủy điện ở Kon Tum "ăn" đất sản xuất, làm hư hỏng đường dân sinh, khiến người dân lo lắng và mong sớm khắc phục để ổn định cuộc sống.

Người dân xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) lo thuỷ điện "ăn" mất đất sản xuất.
Người dân xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) lo thuỷ điện "ăn" mất đất sản xuất.

Mất đất sản xuất

Theo phản ánh của người dân, từ ngày thủy điện Đăk Pô Kô (đoạn qua địa bàn xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum) đi vào hoạt động, cuộc sống người dân bị đảo lộn khi đất sản xuất mất dần.

Ông Nguyễn Văn Nghị (58 tuổi, xã Tân Cảnh) cho biết, gia đình ông có 5ha đất cách cửa xả nước của thủy điện Đăk Pô Kô khoảng 200m. Mỗi khi nước từ cửa xả đổ ra gây xói lở đất của gia đình.

“Nhà tôi sinh sống ở đây đã nhiều năm, thế nhưng chưa xảy ra tình trạng sạt lở, xói sâu như thế này. Nhưng từ khi có thủy điện, sau trận lũ năm 2020 hơn 3 sào đất trồng bời lời, cà phê… bị cuốn trôi. Nếu tình trạng này tiếp tục, tôi e là đất sản xuất sẽ mất dần”, ông Nghị nói.

Tương tự, ông Thạch Quang Thống (73 tuổi) trồng cà phê trên 3,7ha ở thôn 1 (xã Tân Cảnh). Mảnh đất của gia đình ông nằm tiếp giáp với khu vực lòng hồ thủy điện.

Theo ông Thống, mỗi lần thủy điện tích hay xả nước, một số diện tích đất cũng bị dòng nước cuốn trôi.

“Qua thời gian, dòng nước chảy xiết đã ăn sâu vào bờ sông khoảng 30m. Gia đình tôi cũng bị sạt lở hơn 1.500m2 với nhiều cây cối bị cuốn đi. Nhìn đất đai, tài sản của gia đình trôi theo dòng nước tôi rất xót xa. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để bà con yên tâm sinh sống và canh tác”, ông Thống nói.

Theo tìm hiểu, thủy điện Đăk Pô Kô được khởi công xây dựng năm 2015 trên sông Pô Kô (đoạn qua địa bàn xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Đến năm 2018 thủy điện đi vào hoạt động với công suất 16,5MW.

Ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho hay, sau cơn bão số 9 năm 2020 nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề về đất và cây trồng nên đã ý kiến lên chính quyền địa phương.

Sau đó, Sở Công Thương Kon Tum đã chủ trì, mời các ngành liên quan xác định và kết luận nguyên nhân do bão, có một phần do thủy điện. Chủ đầu tư dự án thủy điện cũng hỗ trợ mỗi hộ dân vài triệu đồng để tự khắc phục, tuy nhiên bà con không nhận nên chính quyền đã hoàn trả lại cho thủy điện.

Theo ông Hưng, trong quá trình đầu tư xây dựng, thủy điện Đăk Pô Kô có biên bản ghi nhớ với địa phương là sẽ làm kè trước cửa xả nhằm tránh sạt lở đất của người dân.

Tuy nhiên, kè chỉ bằng những bao cát nên qua một thời gian đã hư hỏng. UBND xã đã đề nghị cấp có quyền chỉ đạo chủ đầu tư sớm có phương án xây dựng kè phía hạ lưu đập thủy điện nhằm chống sạt lở đất sản xuất của người dân.

Đường dân sinh tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) bị hư hỏng do thi công dự án thủy điện.

Đường dân sinh tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) bị hư hỏng do thi công dự án thủy điện.

Thủy điện làm hư đường dân sinh

Tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) người dân cũng lo lắng vì Dự án Thủy điện Nước Long 1 và 2 gây hư hỏng đường.

Chị Y Linh (thôn Viôlắc, xã Pờ Ê) cho biết, sinh sống ở đây đã lâu nên người dân khá lo lắng khi xe phục vụ thi công nhà máy thủy điện chạy ầm ầm, gây rung lắc.

Không những vậy, xe trọng tải lớn thường xuyên di chuyển khiến con đường dân sinh bị hư hỏng, gây khó khăn trong quá trình đi lại cho bà con. Do đó, người dân rất mong thủy điện sớm sửa chữa, đầu tư lại con đường để mọi người đi lại an toàn, thuận lợi.

Theo tìm hiểu, Dự án Thủy điện Nước Long 1 và 2 có tổng công suất 9,6MW, xây dựng trên địa bàn xã Pờ Ê, do Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Đức Bảo (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích hơn 29,3ha, vốn đầu tư hơn 396 tỉ đồng. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2022, dự kiến hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng tháng 12/2024.

Ông A Sắp, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê cho hay, con đường từ thôn Violắc đến thôn Vioka (xã Pờ Ê) dẫn vào nhà máy thủy điện có nhiều đoạn bị hư hỏng, bong tróc. Một phần đường hư do khi thi công thủy điện đưa xe tải trọng lớn để chở vật liệu phục vụ xây dựng. Đoạn đường bị hư hỏng dài khoảng 7km, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Theo ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tuyến đường dân sinh tại xã Pờ Ê bị hư hỏng là do mưa lớn gây sạt lở và một phần vì thi công dự án thủy điện. Phía thủy điện hứa sẽ sớm khắc phục tuyến đường, đảm bảo việc đi lại cho người dân.

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật (xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) hơn 800 triệu đồng vì chiếm 245.500m2 đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất để xây dựng các hạng mục công trình Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei.

Trước đó, đơn vị này cũng bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum xử phạt 170 triệu đồng vì vi phạm về xây dựng trong quá trình thi công.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã xử phạt 4 chủ đầu tư dự án thủy điện với số tiền hơn 721 triệu đồng do mắc hàng loạt vi phạm khi xây dựng, vận hành.

Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Đức Bảo (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Trưa 1, 2) bị xử phạt hơn 217 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí, lấn chiếm đất với diện tích hơn 10.500m2; Công ty CP thủy điện Thiên Tân (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Re) bị xử phạt hơn 224 triệu đồng do đổ thải sai vị trí, lấn chiếm 14.097m2 đất; Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum) bị phạt hơn 210 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí, lấn chiếm 121.500m2 đất để xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện.

Riêng Công ty TNHH GKC (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Lô 1, 2, 3) bị xử phạt 70 triệu đồng về hành vi nâng công suất thủy điện Đăk Lô 2 từ 5,5 MW lên 7,7 MW khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ