Theo BS. Phúc, mưa lũ kéo dài có khả năng cao gây ra các bệnh ngoài da. Phổ biến nhất là nước ăn chân - bệnh nhiễm trùng do nấm thường bắt đầu từ những kẽ ngón chân. Tổn thương gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc da, mụn nước và lở loét, chân có mùi hôi.
Bệnh có thể gặp ở háng nếu ngâm nước bẩn ngập sâu, ở bàn tay khi sử dụng tay gãi vào vùng tổn thương. Bệnh có thể được điều trị bằng kem chống nấm.
“Những người ra mồ hôi chân nhiều dễ bị bệnh này, chủ yếu bàn chân trái. Kinh nghiệm dân gian điều trị khá hiệu quả, bằng cách dùng lá mướp khô đốt thành than, rắc lên vùng tổn thương. Ngoài ra, có thể ngâm chân trong nước lá trầu không, lá ổi, lá lốt, rau sam, hay ngâm trong giấm. Việc thay đổi môi trường pH cũng có tác dụng chống nấm”, BS. Phúc gợi ý.
Tuy nhiên, một tổn thương khác nguy hiểm hơn nước ăn chân là bàn chân ngấm nước. Tổn thương xảy ra khi chân ngâm trong nước một thời gian dài. Từ đó, gây tình trạng loạn dưỡng, da nhăn nheo, lạnh, tê buốt như kim châm và có thể đau. Người bị tổn thương nặng hơn gặp ngứa, sưng nề, nổi các mụn nước, lở loét.
“Để phòng tránh nước ăn chân hay hội chứng bàn chân ngấm nước, đặc biệt là bệnh Whitmore, điều quan trọng là giữ bàn chân khô ráo, sạch sẽ. Trong lũ lụt, rất khó để không bị ngâm chân trong nước. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có thể giúp bàn chân khô ráo đều phải tận dụng, dù chỉ vài phút”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, BS. Trần Văn Phúc cảnh báo, thông thường, sau khi nước rút khoảng 1 tuần, các bệnh bắt đầu xuất hiện và có thể lan rộng khó kiểm soát. Nhóm bệnh đường tiêu hóa là phổ biến nhất, như: Tiêu chảy cấp, rotavirus, tả, lị, thương hàn, viêm gan A và E, các bệnh giun sán.
Lý giải về nguyên nhân dịch bệnh, bác sĩ Phúc cho biết, sau lũ lụt, môi trường ẩm ướt. Do đó, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có cơ hội sinh sôi, nảy nở. Trong đó, nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân chính, đặc biệt là rác thải, nước thải sinh hoạt hòa vào dòng lũ, phân, xác động, thực vật.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, để phòng bệnh, cần ăn chín, uống sôi, nguồn nước phải bảo đảm vệ sinh. Tốt nhất là dùng nước uống đóng chai, hoặc nước đã qua lọc và xử lí theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại địa phương.
“Khi lũ lụt xảy ra, dòng nước lớn sẽ xóa sạch các nơi sinh sản của muỗi. Tuy nhiên, muỗi sẽ trở lại, phát triển mạnh mẽ ngay khi nước rút. Thường sau lụt 6 - 8 tuần, dịch bệnh sẽ xuất hiện”, BS. Phúc cảnh báo.
Theo đó, các dịch bệnh thường gặp gồm sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản… Vì vậy, không để các vũng nước tù đọng, chú trọng diệt loăng quăng, bọ gậy và muỗi, ngủ màn là những việc quan trọng để phòng bệnh.
Theo BS. Trần Văn Phúc, sau mỗi trận lụt, chủ yếu là sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống bệnh.
“Để tránh mưa lũ, dòng người sẽ di cư đến nơi cao và an toàn hơn. Mật độ dân số tăng đột biến cũng là nguyên nhân xuất hiện các bệnh như đau mắt đỏ, viêm phổi, sởi, uốn ván, viêm mãng não mô cầu”, BS. Trần Văn Phúc giải thích.