Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.
Biểu hiện
Biểu hiện lâm sàng ngoài việc tiêu chảy cấp, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Sau đây là một số bệnh hay gặp nhất trong vùng bão lũ:
Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn: Là bệnh nhiễm khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi.
Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm như chó, mèo, chim, lợn, các động vật gặm nhấm... đều có thể là nguồn lây bệnh cho người.
Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt gia cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.
Bệnh do Rotavirus: Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virut. Virut này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi; thường xuất hiện sau 24 - 48 giờ, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
Bệnh do phẩy khuẩn tả: Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống... bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản... hoặc do ruồi nhặng, chuột gián... làm lây lan mầm bệnh.
Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện lây truyền hết sức nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt những vùng sau lũ lụt; không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong vì shock không hồi phục.
Hình ảnh Rotavirus. |
Điều trị như thế nào?
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em, phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.
Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Thuốc kháng tiết ở ruột non: Thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase (là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác.
Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt đỉnh điểm sau khi uống 1 giờ, thời gian tác dụng khoảng 8 giờ. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Các chất hấp phụ: Là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thấm nước, có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân.
Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột.
Ngoài ra cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silice, dextrin - maltose, natri clorit), sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic)...
Ngoài ra, trong Đông y còn hay sử dụng thuốc berberin là alcaloit chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng.
Thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa.
Tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định dùng thuốc gì, không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các biện pháp dự phòng sau lũ
Giữ vệ sinh về ăn uống: Cần đun sôi kỹ các loại thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn; dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo; bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, bụi bặm làm nhiễm bẩn.
Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt trong, sạch: Tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng. Có thể sử dụng phèn chua hoặc viên cloramin B để khử khuẩn nước. Nước đã khử khuẩn phải đun sôi mới được uống.
Vệ sinh môi trường: Ngay sau khi nước rút cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm. Thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ và xử lý đúng quy trình, phải rắc vôi bột phủ lên xác động vật trước khi lấp đất.
Việc điều trị tiêu chảy có rất nhiều thuốc và cũng có rất nhiều chú ý kèm theo. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy bao giờ cũng phải nghĩ đến việc bù nước và điện giải nhất là với trẻ em.
Cần đến khám ở các cơ sở y tế khi đã dùng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn, người bệnh có tình trạng mất nước mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lẫn, lơ mơ...
Người bị bệnh tiêu chảy vẫn ăn uống bình thường những loại thức ăn nấu chín dễ tiêu, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất tanh.