Nhiều địa phương cho HS nghỉ học tránh bão

Nhiều địa phương cho HS nghỉ học tránh bão

(GD&TĐ)-Tính đến thời điểm này (30/9), lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, đổ, hàng vạn ha lúa bị mất trắng. Tại Bắc Bộ, do ảnh hưởng của bão số 5, các tỉnh đã cho học sinh nghỉ học tránh bão.

>>>Yêu cầu di dân và cấm biển tránh siêu bão

Chiến sĩ Đồn biên phòng 50 giúp người dân đảo Cát Hải di chuyển sang Cát Bà tránh bão
Chiến sĩ Đồn biên phòng 50 giúp người dân đảo Cát Hải (Hải Phòng) di chuyển sang Cát Bà tránh bão (ảnh: báo Hải Phòng
Tính đến 17 giờ chiều ngày 29-9, An Giang đã có 3 người chết vì nước lũ, trong đó, có một trường hợp rất đau lòng là anh Huỳnh Văn Tùng (sinh năm 1985, chiến sĩ Xã đội Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) đã nhiều ngày đêm tham gia đắp đê chống lũ, bị rắn dộc cắn và chết ngay trên đường đưa đi cấp cứu.

Nhiều ngày qua, tại An Giang, lũ lên nhanh với cường suất mạnh, vượt đỉnh lũ cao nhất trong hơn 10 năm gần đây (năm 2000) là 2,63 mét, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về giao thông, sản xuất, nhà ở, đặc biệt là tính mạng người dân, đã có 3 người chết, trong đó có 1 trẻ em.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang: hiện toàn tỉnh có 2.032 căn nhà bị ngập, 627 căn xiêu vẹo, đã di dời 124 hộ, còn 255 hộ đang tiếp tục di dời, tập trung ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới, Long Xuyên. Lũ còn làm sạt lở 12.557 m2 đất bờ sông, ngập 2.800 ha lúa và hoa màu; nước lũ gây ngập 3 ao cá làm thiệt hại 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu cá giống. Do ảnh hưởng lũ, huyện đầu nguồn lũ An Phú có 1.599 hộ rất cần được hỗ trợ lương thực, 4.437 hộ cần phương tiện, công cụ để sinh sống ổn định trong mùa lũ. 

Nước lũ vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên trung bình từ 3 - 5cm ngày.jpg
Nước lũ vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên trung bình từ 3 - 5cm ngày, ảnh Trọng Ân

Tỉnh Đồng Tháp hiện nay, mực nước ở Tân Hồng đã vượt mức 5,29m và tiếp tục lên cao. Do đó hơn 8.000 ha lúa vụ 3 có khả năng bị mất trắng bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, đời sống của nhiều hộ dân trong các tuyến đê bao bị đe dọa nghiêm trọng. Huyện Tân Hồng đã phát động toàn dân ủng hộ cừ tràm, bạch đàn, vật tư, bao đất khẩn trương gia cố hàng loạt tuyến đê xung yếu đang bị nước lũ uy hiếm dữ dội.Giao thông tại tỉnh lộ 848 bị ách tắc, gần 70 km đường giao thông nông thôn bị ngập.

Thành phố Cần Thơ cũng có 324 nhà và gần 60 km đường giao thông nông thôn bị ngập. Tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), tính đến hết ngày 29-9-2011, huyện có 90,76ha lúa thu đông 2011 bị mất trắng do chưa tới thu hoạch nhưng đã bị ngập sâu trong nước. Ngoài diện tích bị mất trắng, Vĩnh Thạnh còn có 124ha lúa phải thu hoạch sớm chạy lũ nên năng suất giảm mạnh, chỉ còn trung bình khoảng 1,5-1,7 tấn/ha (trong khi các diện tích không bị ảnh hưởng của lũ có năng suất bình quân từ 4,3-5,5 tấn). Hiện Vĩnh Thạnh đã thu hoạch được hơn 5.560/8.011,8ha lúa thu đông.

Sáng 30/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết theo thông tin từ đoàn công tác tại Quảng Ninh, hiện các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn và quản lý được; tàu du lịch đã cấm ra biển từ 6 giờ ngày 29/9 và đã được di dời vào nơi trú tránh; lồng bè nuôi trồng thủy sản đã đưa vào nơi neo đậu.

Đối với nhân dân ở các vùng nguy hiểm, tỉnh đã có phương án sẵn sàng di dời và hiện đang theo dõi chặt chẽ để di dời khi cần thiết. Người già và trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền song vẫn còn người ở lại. Do vậy, đoàn công tác đã đề nghị di dân triệt để vào nơi an toàn và tỉnh sẽ cưỡng chế nếu cần thiết.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30/9. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, các khu vực hầm lò, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp đối phó. Trong ngày 29/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã họp trực tuyến với Ủy ban Nhân dân các huyện để chỉ đạo đối phó với bão; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo tại các huyện Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả.

Từ 9 giờ sáng nay 30-9, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã bắt đầu thực hiện việc cấm người đi bộ, phương tiện thô sơ và xe mô tô qua cầu Bãi Cháy nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiên. Theo đó, Sở GTVT Quảng Ninh bố trí phương tiện để chuyên chở những người dân có nhu cầu đi lại qua cầu trong thời gian cấm.

Khu vực cảng Cái Lân , nước biển dâng cao, có sóng lớn (ảnh: Báo Quảng Ninh)
Khu vực cảng Cái Lân , nước biển dâng cao, có sóng lớn (ảnh: báo Quảng Ninh)

Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng có công điện khẩn gửi các trường nhắc nhở trước khi mưa bão, giáo viên cần neo buộc nhà cửa, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan, nhà trường. Mỗi đơn vị tổ chức đội xung kích 15-20 người (là cán bộ, giáo viên đối với trường tiểu học, THCS; có thể cả học sinh lớn đối với trường THPT) ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Sở cũng nhấn mạnh, từng cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phòng chống lụt bão như: Thuyền, xẻng, cuốc, cây bắc sàn, cây chống, dự trữ nước ăn, lương thực, củi cho những người trực trong những ngày lũ lụt. Trường có nhà cao tầng thì chuyển đồ lên tầng trên, với trường cấp 4 phải bố trí làm sàn chống ngập.

Ông Ánh cho hay, đối với các trường ở vùng xả tràn như Nho Quan, vùng hay ngập lụt như Gia Viễn, Yên Mô, Kim Sơn, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục có kế hoạch cụ thể về học bù chương trình khi học sinh phải nghỉ học do lũ lụt.Tại Hải Phòng, hiện tại tất cả các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Thành phố đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 30/9. Tại Thái Bình, tàu thuyền đã vào nơi trú tránh an toàn, chỉ còn có 2 chiếc nằm ở cảng cá nhưng ở khu vực nguy hiểm, đoàn công tác đã chỉ đạo trong sáng 30/9 phải đưa vào nơi an toàn phải hoàn thành công tác di dời dân trước 9 giờ ngày 29/9.

Bộ Tham mưu - Bộ đội Biên phòng cho biết, đến 6 giờ ngày 30/9 đã thông báo kêu gọi được 39.917 tàu, thuyền với 179.679 lao động và 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 5.694 người. Hoạt động, neo đậu tại Vịnh Bắc Bộ (tàu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình) là 28.866 tàu, thuyền với 111.557 người; hoạt động ven bờ, vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 11.051 tàu, thuyền với 68.122 lao động.

Về tình hình tàu Đức Minh 18 bị tai nạn, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tiếp cận được tầu nhưng do nước cạn nên không kéo tầu ra khỏi vị trí bị mắc cạn. Lực lượng cứu hộ đã giúp đỡ tầu Đức Minh 18 neo đậu tầu tại vị trí bị nạn và đưa 39 thuyền viên vào bờ an toàn lúc 3 giờ ngày 30/9.

Các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã có công điện chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương triển khai phó với bão số 5. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tỉnh Thanh Hóa cho học sinh các trường phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa. 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
 
Do ảnh hưởng của bão ở vịnh Bắc Bộ tối nay (30/9) còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét. Các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng

Phương Nguyên - Trọng Ân-Quốc Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ