Chiều 19/8, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm trực tuyến ''Xu hướng đào tạo nghề - Góc nhìn đa chiều''.
Chia sẻ tại tọa đàm, em Vũ Thu Hường - sinh viên K15 lớp Cơ điện tử Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho biết: Tại kỳ thi vào lớp 10, em đã đạt 39,5 điểm và đủ điều kiện vào các trường công lập trên địa bàn huyện Thạch Thất nơi em cư trú. Tuy nhiên em đã lựa chọn học nghề.
Theo Hường, ngoài việc học kiến thức, em còn được học kỹ năng mềm, học thực hành nhiều song song với việc học lý thuyết. Từ đó, em có thể phát triển bản thân, có khả năng tự lập và sẽ có cơ hội việc làm sớm hơn các bạn cùng tuổi. Hường cũng cho rằng, nếu cố gắng học tập thì sau khi ra trường, em hoàn toàn có thể có một công việc ổn định với mức thu nhập tốt.
Dưới góc độ của nhà tuyển dụng, ông Phan Quyết Long - Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long cho hay: Khi tuyển dụng, Công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn là đáp ứng được chương trình khung của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã đồng hành với các em học sinh, sinh viên ngay từ lúc vào trường. Các em sinh viên có thể được coi là nhân viên của doanh nghiệp cử đến trường đào tạo. Trong 3 năm đào tạo, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đào tạo thực hành 2 năm trong nhà máy, tham gia vào tất cả các chuỗi hoạt động.
Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại Công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, 100% sinh viên được nhận vào Công ty làm việc với cam kết làm việc tối thiểu 3 năm, được hưởng toàn bộ quyền lợi theo Luật Lao động hiện hành.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều bạn trẻ đã ưu tiên chọn học nghề tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Để thực sự là “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chia sẻ, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, nhiều giáo viên có chất lượng, nội dung chương trình đã được nhà trường thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều lao động đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công ty, doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề của Hà Nội ngày càng được khẳng định khi “Chỉ số đào tạo lao động” trong “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” của Hà Nội liên tục xếp thứ hạng cao trong những năm qua.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề “không thấp”, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử.