Giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập
Theo TS Vũ Minh Chiến - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc trong những trường hợp đặc biệt khác cần làm đơn trình bày (thông qua Phòng Công tác sinh viên), kèm theo minh chứng, nhà trường sẽ xem xét và có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Trong các năm học vừa qua, Trường ĐH Tây Nguyên đã thực hiện đúng, đầy đủ, thường xuyên các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên và các quy chế quy định về công tác học sinh, sinh viên; Định kỳ kiểm tra, đánh giá và báo cáo theo quy định. Đầu mỗi học kỳ của từng năm học, nhà trường ra thông báo thu hồ sơ Miễn giảm học phí, Hỗ trợ chi phí học tập, Trợ cấp xã hội, để sinh viên biết và làm hồ sơ.
Nhà trường thực hiện hướng dẫn và thu hồ sơ của sinh viên thuộc các đối tượng thụ hưởng. Hết thời hạn thu hồ sơ, Hội đồng xét duyệt hồ sơ xem xét tính hợp pháp của hồ sơ và ra Quyết định đối với những sinh viên đủ điều kiện thụ hưởng thông qua website của trường.
Về miễn giảm học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được miễn học phí.
Về hỗ trợ chi phí học tập: Theo Thông tư liên tịch số: 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 15/10/2014 và Quyết định số 66/2013/QĐ-TTG ngày 11/11/2013, đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo từng kỳ; Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tham dự tuyển sinh theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, sẽ được hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở/1 tháng (hỗ trợ không quá 10 tháng/1 năm học).
Về chế độ chính sách cho sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu), nhà trường thực hiện theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP.
Khuôn viên Trường ĐH Tây Nguyên. |
Nhiều chính sách học bổng
Cũng theo TS Vũ Minh Chiến, Trường ĐH Tây Nguyên là cơ sở đào tạo công lập tự chủ một phần. Do đó, mức thu học phí tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Mức thu học phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học dân lập, tư thục hay trường quốc tế.
Các chính sách miễn, giảm học phí, học bổng Khuyến khích học tập... được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, trường cũng có những hỗ trợ đặc thù, ví dụ: Học bổng đồng hành cùng tân sinh viên, học bổng tiếp sức đến trường, chậm nộp học phí với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, tìm kiếm các học bổng của các Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Với sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi thì nên dự thi hoặc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) để được hưởng hỗ trợ của nhà nước từ Nghị định 116 như: Được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng, hưởng 3.630.000 đồng/tháng, 10 tháng/ năm, hưởng 4 năm.
Ngoài ra, với sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phải là sinh viên dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, được quy định rõ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ về học phí năm học 2022 - 2023. Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Đây là một trong những chính sách thiết thực nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho học sinh, sinh viên.