Nhiều cách thức “vẽ” đúng đường cho “hươu chạy”

GD&TĐ - Đưa giáo dục giới tính vào trong nhà trường lâu nay là việc “dễ mà khó”, thậm chí còn gặp nhiều rào cản vì tâm lý e sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực tế, học sinh càng được tư vấn sớm về sức khỏe sinh sản (SKSS) thì càng có nhận thức đúng đắn, biết phòng tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhiều cách thức “vẽ” đúng đường cho “hươu chạy”

Đi vào những bài học thiết thực

Hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu kiến thức SKSS vị thành niên, thanh niên” được Trung tâm DS/KHHGĐ phối hợp với huyện đoàn Hưng Nguyên (Nghệ An) tổ chức cho học sinh THPT tham gia. Với 30 câu hỏi là những vấn đề gần gũi, thực tế, và có ảnh hưởng ngay tới cuộc sống, sinh hoạt và sự phát triển tâm lý lứa tuổi dậy thì, hội thi tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình của người chơi hơn cả sự mong đợi của Ban tổ chức.

Là người xuất sắc trả lời đúng tất cả các câu hỏi, em Cao Thị Việt Hà (lớp 12A2, Trường THPT Lê Hồng Phong huyện Hưng Nguyên) phấn khởi nói: Em thấy hội thi rất vui và bổ ích. Đây là một sân chơi nhưng qua đó học sinh chúng em được thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề giới tính, SKSS và chia sẻ nó với thầy cô, với bố mẹ. Ngược lại, qua hội thi, chúng em cũng hiểu thêm nhiều nỗi lo của người lớn dành cho lứa tuổi vị thành niên như lo các con yêu sớm, có thai, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý...

Với sự có mặt của đông đảo khán giả là học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo cùng cán bộ dân số trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, hội thi đã tạo được hiệu ứng truyền thông về giáo dục giới tính mạnh mẽ, thiết thực và ý nghĩa.

Trước đó, tại Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh chương trình tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên cũng thu hút hơn 300 học sinh của hai khối 8, 9 tham gia. Tại buổi truyền thông, qua phương pháp hỏi đáp, xen kẽ các trò chơi có thưởng các em được cán bộ truyền thông tư vấn cung cấp kiến thức về SKSS, giới tính như: Độ tuổi trẻ em, độ tuổi vị thành niên, những thay đổi khi đến tuổi dậy thì; các bệnh lây qua đường tình dục và cách phòng tránh; những hệ quả khi quan hệ tình dục không an toàn ở tuổi vị thành niên… Cán bộ dân số cũng dành thời gian giải đáp những thắc mắc khác nhau của các em học sinh về những biến đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên.

Cần thay đổi tư duy từ... người lớn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh trong nhà trường được tổ chức sôi nổi như: Sinh hoạt ngoại khóa nói chuyện chuyên đề; thành lập các câu lạc bộ “Giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc SKSS vị thành niên”; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức SKSS.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi vị thành niên, sự hiểu biết và xử lý các tình huống thực tế liên quan đến tính dục, tình dục còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Lý do chính bởi các bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình về SKSS. Là người trực tiếp tham gia nói chuyện với học sinh tại các buổi truyền thông, ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng phòng Truyền thông – Chi cục DS/KHHGĐ Nghệ An - chia sẻ: “Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm, việc dạy giới tính cho con trẻ quá sớm là điều không cần thiết. Trong khi đó, trên thực tế, đây lại là vấn đề cần phải được quan tâm vì hiện tại học sinh tiếp xúc với vấn đề giới tính rất sớm và đa dạng. Nếu không có định hướng đúng đắn, các em rất dễ mắc sai lầm và dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.

Từ những thực trạng này, đòi hỏi thời gian tới các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong các nhà trường cần phải được tổ chức thường xuyên và lâu dài tạo cho học sinh một diễn đàn để các em tự đưa ra vấn đề và giải quyết. Phát huy vai trò của giáo viên với tư cách là nhà giáo dục và đồng thời tăng cường sự phối hợp với Đoàn Thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về công tác chăm sóc SKSS. Qua đó, giúp các em học sinh hiểu biết và có hành vi tích cực trong chăm sóc SKSS, nâng cao kỹ năng hoạt động xã hội, những hành vi ứng xử văn hóa trong tuổi học đường, là hành trang cho các em bước vào cuộc sống.

Điều thú vị là dù đề cập đến khá nhiều vấn đề “nhạy cảm”, “tế nhị” về giới tính nhưng trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ diễn ra chương trình, các em rất mạnh dạn, sôi nổi trả lời và chia sẻ nhận thức giới tính của mình. Em Trần Lê Viết Huynh, lớp 8D cho biết: Một số kiến thức về SKSS bọn em cũng đã từng được học trong sách giáo khoa. Dịp hè vừa rồi, tham gia chương trình Học kỳ Quân đội, bọn em cũng được dạy về vấn đề này. Mỗi lần như thế em lại biết thêm được nhiều điều hay và thú vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ