Dẫu biết tai biến trong y khoa là điều không thể tránh khỏi, song nếu tai biến đó có nguồn gốc là sai sót kỹ thuật trong chẩn đoán của các y bác sỹ, hoặc do tắc trách thì cần phải có “chế tài” xử lý nghiêm. Thực tế, dư luận cảm thấy ái ngại về năng lực và y đức của bác sỹ, đặc biệt tại khối BV tuyến đầu?
Lỗi ở đâu?
Trường hợp, BN Nguyễn Thị V. (36 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã phải cắt bỏ cổ tử cung, còn thai nhi thì bị chết ngạt do bác sỹ ở BV Sản - Nhi Bắc Giang chẩn đoán sai, không mổ kịp thời.
Theo đơn phản ánh, khi đến BV khám chị đang mang thai tuần thứ 36, có dấu hiệu đau bụng, sắp sinh. Khi chị này lên cơn đau dữ dội, bác sỹ khám cho biết, có xuất huyết nhưng không có vấn đề gì!? Sau đó cơn đau bụng ngày càng dữ dội, lúc này bác sỹ và kíp trực cho chị đi siêu âm, chẩn đoán, nghi chị bị viêm ruột thừa nên đã làm giấy chuyển sang BV Đa khoa Bắc Giang.
Tại BV này, bác sỹ khám kết luận, chị N. bị vỡ cổ tử cung, tràn dịch và huyết ra ngoài nhưng không liên quan đến viêm ruột thừa như BV Sản - Nhi Bắc Giang chẩn đoán. Do chỉ định mổ muộn nên các bác sỹ không kịp cứu thai nhi, chỉ bảo toàn được tính mạng sản phụ.
Trường hợp chị Nguyễn Thị T. (SN 1984) tại Vườn Văn, Thanh Liệt, Thanh Trì, TP.Hà Nội bị cắt nhầm thận cũng cho thấy hậu quả từ sự tắc trách của bác sỹ. Theo đơn phản ánh của chị T. thì, chị là nhân viên của BV Đa khoa T.Đ tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội với vị trí điều dưỡng viên. Trong đợt khám bệnh định kỳ tại BV các bác sỹ chẩn đoán, thận phải của chị có sỏi và được tiến hành phẫu thuật (mổ mở) để lấy sỏi. Sau đó, vết mổ bị nhiễm trùng, chị nhập viện khám lại thì được chẩn đoán là vết mổ cũ có lỗ dò, rỉ dịch màu máu cá, nề đỏ.
Các bác sỹ tại BV Đa khoa T.Đ. tiếp tục chỉ định can thiệp phẫu thuật lần 2. Song, theo như đơn phản ánh của chị T.: “Sau một tuần nằm viện, tôi thấy sức khỏe tiến triển không tốt, huyết áp lên xuống thất thường, sau khi đã cắt chỉ vết mổ nhưng vẫn còn thấy đau. Tôi và người nhà đã yêu cầu chụp phim và làm siêu âm để kiểm tra sức khỏe sau phẫu thuật. Khi đó, bác sỹ điều trị mới thông báo cho tôi rằng, thận phải của tôi đã bị cắt trong ca phẫu thuật vừa rồi. Sau khi làm siêu âm, nhận kết quả siêu âm, tôi biết chính xác mình không còn thận phải nữa!?”.
Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến trường hợp này, sau khi bộ Y tế có văn bản số 3499/BYT-VPB1 chỉ đạo sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin, đề xuất giải pháp xử lý. Sau đó, BV Đa khoa T.Đ có thông báo số 15/TB-BV, do bác sỹ Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc BV ký, gửi tới sở Y tế Hà Nội và gia đình BN. Công văn của BV cho rằng, phía BV đã thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính, việc không thông báo cắt thận cho BN và gia đình nhằm tránh khiến họ bị sốc?!
Hay trường hợp cháu T.A.Đ. (2 tuổi) lại là nạn nhân của vụ cắt nhầm bàng quang mà lỗi cũng xuất phát từ sai sót kỹ thuật của các bác sỹ. Theo người nhà cháu Đ. phản ánh, khi cháu Đ. được đưa vào khám điều trị tại BV Đa khoa C.R., các bác sỹ chẩn đoán, cháu bị thoát vị bẹn và chỉ định mổ. Sau khi mổ, bụng cháu chướng lên và rất nguy kịch. Tiên liệu bệnh tình cháu Đ. trở nên nặng hơn BV C.R đã chuyển cháu lên BV tỉnh mổ lại lần 2.
Tại đây, các bác sỹ BV Đa khoa tỉnh K.H. cho rằng, BV C.R. đã cắt hết bàng quang của bệnh nhi là do bác sỹ nhầm bàng quang sang túi thoát vị. Các bác sỹ BV Đa khoa K.H. xác nhận những sai sót kỹ thuật của BV C.R. đã làm tổn thương bàng quang, ứ nước tiểu, ảnh hưởng đến thận, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhi.
Đi tìm câu trả lời
Đi tìm lời giải cho nguồn cơn tai biến y khoa hay chẩn đoán sai của các bác sỹ, thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế đã trao đổi trên một diễn đàn của ngành rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, tình trạng quá tải, người bệnh đông, thầy thuốc phải làm việc trong môi trường căng thẳng và chịu nhiều áp lực, nhiều lúc cần phải ra quyết định nhanh, thậm chí chỉ định miệng để kịp thời cứu chữa người bệnh như trong phẫu thuật hoặc trong cấp cứu.
Cháu T.A.Đ. (2 tuổi) do chẩn đoán sai khiến cháu bị cắt nhầm bàng quang (ảnh gia đình cung cấp). |
|
Nhiều BV trong tình trạng thiếu nhân lực, có nhiều thầy thuốc phải làm việc và trực 24/24h, môi trường làm việc gây thiếu tập trung, việc kết nối thông tin giữa người bệnh, bác sỹ, điều dưỡng, nhà quản lý thiếu hoặc không chính xác, trang thiết bị không đồng bộ, cùng một đơn vị hồi sức có quá nhiều loại máy thở, máy truyền dịch hoặc bơm tiêm điện gây khó khăn cho thầy thuốc trong quá trình vận hành, đôi khi vận hành máy này lại nhầm sang thông số của máy kia.
Có những lúc, thầy thuốc buộc phải cứu chữa các trường hợp có mức độ an toàn rất hẹp, ví dụ: Phẫu thuật viêm ruột thừa cho người bệnh đang điều trị thuốc chống đông máu sau nhồi máu cơ tim. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi để tai biến điều trị dễ xảy ra, còn nhiều yếu tố khác tùy thuộc vào cơ địa và sức đề kháng của người bệnh, các can thiệp, thuốc điều trị luôn có hai mặt lợi và hại; năng lực chuyên môn và kỹ năng lâm sàng của nhân viên y tế thường khác nhau.
Ông Khoa cũng cho rằng, việc thiếu các quy trình bảo đảm an toàn người bệnh cũng là một nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa. Các quy trình trong khám, chữa bệnh, quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn chuyên môn đều nhằm vào hai mục đích chính là an toàn và hiệu quả.
Việc thiếu quy trình dẫn đến quá trình thực hành không theo chuẩn mực và như vậy sẽ khó tiên liệu được tính an toàn và hiệu quả của nó. Bên cạnh những nguyên nhân mang tính chất hệ thống, thì vẫn có những lỗi thuộc về chủ quan con người, những lỗi chủ quan này lại liên quan đến lỗi hệ thống và nếu khắc phục được lỗi hệ thống thì sẽ hạn chế được các lỗi cá nhân.
Ám ảnh chết người Đánh từ khóa “tai biến y khoa” trên google, ngay lập tức, nhận được 2.650.000 trong vòng 0,28 giây. Nếu thay từ khóa là “sai sót y khoa”, kết quả tìm kiếm là 4.540.000 trong vòng 0,26 giây. Còn nếu ta tìm kiếm bằng từ khóa “kiện bác sỹ”, chỉ trong vòng 0,26 giây, chúng ta sẽ có 41.500.000 kết quả. Con số trên nói lên điều gì? Tai biến sản khoa thường chiếm tỉ lệ cao Bác sỹ-chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ, TP.HCM chia sẻ: “Nghiên cứu các ca tai biến sản khoa cho thấy, có ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ là do băng huyết sau sinh, thứ hai là tiền sản giật - sản giật và thứ ba là thuyên tắc ối. Gần đây, nhiều trường hợp tử vong còn kèm theo các bệnh lý nội khoa như viêm gan, rối loạn đông máu, các bệnh lý về tim mạch... Những bệnh lý này thường “ngủ yên”, rất khó phát hiện, đến lúc sinh nó mới bùng phát. Có nhiều trường hợp BN phản ánh: “Con tôi tốt, vợ tôi khỏe mạnh và vừa nói chuyện với tôi đây nhưng vừa vào phòng sinh thì chết...”. 90% của tai biến trên là do thuyên tắc ối. Đó là do nước ối chui vào mạch máu mẹ, lên phổi và gây tắc hệ thống huyết mạch ở phổi và tử vong. Theo WHO, tỉ lệ thai phụ bị thuyên tắc ối xảy ra là 1/20.000-30.000 ca sinh nhưng tỉ lệ tử vong đến 70%-90%. Đây là tai biến không biết trước được. Nó có thể xảy ra trước, trong và sau sinh. Hiện tại, chưa có biện pháp nào phòng ngừa. Việc cứu được con hay không thì tùy theo điều kiện của từng BV. |
Theo Đời sống pháp luật