Kết quả trái với… tham vọng
Tháng 11/2016, Bộ GD&ĐT đã chính thức bàn giao hơn 500 trường CĐ- TCCN về cho Bộ LĐ,TB&XH sau khi Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ,TB&XH quản lý hệ thống GDNN.
Sau 4 năm bàn giao, các hoạt động tuyển sinh và đào tạo hệ thống GDNN đã có nhiều khởi sắc, công tác đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn có những bước tiến tốt khi tỉ lệ tuyển sinh gia tăng hàng năm. Tuy vậy, hiện hệ thống cơ sở GDNN phân bổ ở các địa phương còn khá dàn trải và chồng chéo. Chất lượng đào tạo không đồng đều, việc thực hiện vấn đề tự chủ còn hạn chế…
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là 1 trong 3 trường thí điểm tự chủ, được Bộ LĐ,TB&XH phê duyệt. Quá trình triển khai đã nảy sinh rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, bổ nhiệm nhân sự, công khai tài chính… Thế nhưng, không hiểu vì sao suốt nhiều năm qua những bất cập và trì trệ trong công tác quản lý vẫn không được Tổng cục GDNN, Bộ LĐ,TB&XH giải quyết. Vì thế, nó gây nên sự bất mãn trong một bộ phận cán bộ, giảng viên nhà trường.
Ông N.H.T - một cán bộ của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: Trường CĐKN II thực hiện thí điểm tự chủ bắt đầu từ năm 2016 (giai đoạn 2016 - 2019) theo Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu trở thành một cơ sở giáo dục chất lượng cao. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu tự chủ, các hoạt động đào tạo và tuyển sinh của trường đã không còn được giữ vững khi hàng loạt sai phạm về tuyển sinh bị báo chí phanh phui.
“Đơn thư của cán bộ, giảng viên nhà trường gửi đi khắp nơi. Chúng tôi đã gửi đến cả Bộ LĐ,TB&XH để phản ánh những sai phạm, sự chuyên quyền của Hiệu trưởng nhưng không hiểu sao Bộ vẫn chưa giải quyết. Sự lỏng lẻo và bất cập trong công tác quản lý còn thể hiện ở chỗ, dù nữ hiệu trưởng đã 60 tuổi và được bổ nhiệm làm công tác quản lý theo mô hình thí điểm tự chủ khi ở tuổi 55 (năm 2016 - hết nhiệm kỳ 2019) nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn giữ các vị trí quản lý chính tại trường” - ông T nói.
Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý theo ngành dọc của Bộ LĐ,TB&XH đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục, có nguyên nhân quan trọng đến từ sự thiếu thấu hiểu đặc thù hệ thống của không ít cán bộ làm công tác quản lý. Ngay khi bàn giao chức năng quản lý hệ thống GDNN từ Bộ GD&ĐT sang cho Bộ LĐ,TB&XH, nhiều sự lúng túng đã bộc lộ.
Phần lớn cán bộ quản lý cấp Phòng, Sở LĐ,TB&XH tại địa phương đều làm công tác quản lý kiểu “lệch vai” hoặc kiêm nhiệm. Số đông đội ngũ này xuất thân (chuyên môn, nhiệm vụ quản lý) không phải từ ngành Giáo dục. Nhiều hiệu trưởng trường cao đẳng đi lên từ doanh nghiệp, hoặc từ doanh nghiệp chuyển về… Thực tế này ít nhiều khiến họ lúng túng và gặp vấn đề cho công tác quản lý, nắm chuyên môn.
“Bộ máy quản lý GDNN ở Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, thành hầu như rất thiếu nghiệp vụ quản lý Nhà nước về GDNN. Nguyên do là phần đông cán bộ không xuất thân từ nghề dạy học. Những hiểu biết về giáo dục, thực thi luật pháp về GDNN đang cho thấy những bất ổn trong bối cảnh phân cấp hiện nay” - TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ GDCN, Bộ GD&ĐT nói.
“Tắc” hồ sơ vì nhà quản lý thiếu… chuyên môn
Những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý theo chiều dọc với hệ thống GDNN không chỉ đến từ vấn đề con người, cách thức quản lý bị đứt đoạn (trong kiểm tra, giám sát), mà còn cả trong công tác phối hợp. Theo hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TPHCM, xét về công tác quản lý, các trường cao đẳng vẫn thuộc quản lý của Tổng cục GDNN.
Tuy nhiên, về công tác chuyên môn, thẩm định, mở ngành hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến công tác đào tạo, nhà trường vẫn phải báo cáo với Sở LĐ,TB&XH. Thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề khi người làm công tác quản lý của Sở lại không am hiểu tường tận và nắm sâu chuyên môn về lĩnh vực mình phụ trách. Nó khiến nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc giải trình, thẩm định, thậm chí tắc hồ sơ chỉ vì hai bên không thống nhất được quan điểm với nhau.
Nhìn nhận những gì đang tồn tại, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM cho biết, đến nay việc bàn giao về công tác quản lý Nhà nước với cơ sở GDNN thuộc TP đã được Sở GD&ĐT và Sở LĐ,TB&XH TPHCM phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý, chỉ đạo các cơ sở GDNN công lập thuộc TP hiện vẫn chồng chéo giữa nhiều sở ngành, quận huyện do các đơn vị vẫn duy trì chức năng cơ quan chủ quản.
Cụ thể, Sở GD&ĐT còn 5 trường cao đẳng và 3 trường trung học chuyên nghiệp. Sở GTVT còn 1 trường cao đẳng. Sở Công Thương có 1 trường cao đẳng. Sở VHTT 1 trường cao đẳng. Sở Xây dựng TPHCM có 1 trường cao đẳng. Sở NN&PTNT có 1 trường trung cấp. Sở TT&TT 1 trường trung cấp. UBND Quận 3, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Bình Chánh cũng là cơ quan chủ quản của 1 trường trung cấp trên địa bàn.
“Tình trạng này gây ra hệ lụy, dù UBND TPHCM đã ban hành Quy chế phối hợp liên sở về công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhưng không được các cơ quan liên quan thực hiện. Nhiều cán bộ quản lý các trường nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ hoặc được bổ nhiệm lại, Sở LĐ,TB&XH không được bàn bạc, thống nhất dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, chất lượng đào tạo đi xuống, đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
Đặc biệt, công tác đầu tư, quy hoạch phát triển các cơ sở GDNN cũng gặp nhiều trở ngại do không thống nhất ý kiến giữa sở với cơ quan chủ quản, mất nhiều thời gian trong việc lập đề án, phê duyệt chủ trương đầu tư”, ông Tấn cho biết.