Vẫn biết là bài tập về nhà cần để củng cố kiến thức thu được ở lớp. Nhưng liệu có cần thiết bắt các em làm nhiều bài tập như vậy không, và liệu bài tập về nhà có giúp nâng cao kết quả học tập không?
Tình hình bài tập về nhà ở một số nước
So với các nước khác, học sinh phổ thông Nga gần như phải học nhiều nhất thế giới. Theo số liệu của Chương trình khảo sát quốc tế PISA, học sinh Nga 15 tuổi mỗi tuần mất 25,9 giờ học ở lớp và 22,6 giờ làm bài tập ở nhà. Nghĩa là, gần 60% thời gian của mình, không tính thời gian ngủ và các ngày nghỉ!
Trong khi đó, ở Phần Lan, học sinh 15 tuổi mỗi tuần chỉ dành 11 giờ làm bài tập về nhà, mà kết quả lại tốt hơn nhiều. Ngược lại, học sinh ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, mỗi tuần làm bài tập về nhà 30 giờ, nhưng kết quả học tập của các em lại rất thấp.
Ở Đức, thời gian học ở trường của học sinh lớp 9 cũng như học sinh Nga, nhưng số thời gian dành cho bài tập về nhà ít hơn hai lần. Kết quả là học sinh Đức học Toán và các môn tự nhiên giỏi hơn.
Bài tập nhiều, hiệu quả số không
Thực ra, kiến thức của học sinh càng kém thì giáo viên càng giao nhiều bài tập về nhà để bù lại sự thiếu hụt đó. Nhưng kết quả không thu được bao nhiêu. Nghĩa là, phải chăng bài tập về nhà không có hiệu quả?
“Tỷ lệ giữa kết quả học tập của học sinh phổ thông và thời gian các em dành cho học tập, không phải bao giờ cũng nói lên hiệu quả của hệ thống giáo dục” - ông Dirk Van Damme, Trưởng ban đổi mới và đo lường tiến bộ giáo dục thuộc Vụ Giáo dục, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (cơ quan tiến hành PISA), cảnh báo. - Ở một số nước, học sinh phổ thông buộc phải dành nhiều thời gian hơn cho học tập vì các em không có các điều kiện học ngoại khóa (ý nói tổ chức các nhóm, ban học tập, đi tham quan, dã ngoại...). Ngoài ra, bài tập về nhà nhiều chỉ có hiệu quả khi các em có tất cả các điều kiện để học tập. Đó là thời gian rỗi, nơi học tập yên tĩnh và những người thân có thể khuyến khích và giúp đỡ các em khi cần thiết.
Như chúng ta biết, đại bộ phận học sinh Nga không có những điều kiện và động cơ để làm bài tập ở nhà.
Chưa kịp làm ở lớp thì làm ở nhà
Ở các lớp tiểu học, tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu. Dựa trên kết quả của công trình khảo sát quốc tế Trends in
International Mathematics and Science Study (TIMSS), trong đó người ta đánh giá kiến thức môn Toán ở lớp 4 và lớp 8, Giáo sư Đại học Pennsylvania (Mỹ) Gerald Le Tendre đưa ra kết luận rằng bài tập về nhà không hề ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh.
Ví dụ, ở Hà Lan, cứ 5 học sinh thì có 1 em không làm bài tập về nhà môn Toán. Còn học sinh Nga thì ngồi làm đến tận khuya. Kết quả là kiến thức của các em không khác gì nhau.
Ở Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản, học sinh làm bài tập về nhà ít hơn các bạn cùng lứa trung bình trên thế giới. Nhưng các “con hổ châu Á” đều chiếm vị trí cao hơn trong các bảng xếp hạng quốc tế và nhận được rất nhiều huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế!
“Tôi đồ rằng khi giáo viên bị gây áp lực để đạt được những thành tích nhất định, trong điều kiện không đủ thời gian và thiếu tính độc lập, bài tập về nhà trở thành cách đơn giản nhất để thực hiện tất cả những gì chưa kịp làm trên lớp” - Giáo sư Gerald Le Tendre nhận xét.
Chưa tìm thấy lối thoát
Các giáo viên Nga cũng có ý kiến như vậy. Chương trình giáo dục phổ thông ở tất cả các môn đều bị quá tải. Đã thế, người ta luôn luôn bổ sung các môn học mới, lúc thì thiên văn học, lúc thì cờ vua. Nhưng số giờ học dành cho các môn vẫn không thay đổi.
Các thầy giáo chỉ còn mỗi lối thoát: Tất cả những gì chưa kịp hoàn thành ở lớp đều đẩy về nhà. Và không phải tất cả học sinh đều có thể tự mình tiếp thu được phần chương trình này.
“Môn Sử được dạy 2 tiết mỗi tuần, trong các lớp chuyên sâu – 4 tiết/tuần. Nhưng ngay cả với thời lượng ấy thì cũng không thể học hết toàn bộ chương trình trên lớp” - một giáo viên Sử và Xã hội ở trường phổ thông số 1828 nói. Nhưng cũng không thể tăng thời lượng lên được nữa vì Quy định về vệ sinh trường học chỉ cho phép tối đa 35 giờ/tuần. Với thời lượng này, cùng lắm chỉ có thể dạy hai môn chuyên sâu, những môn còn lại dạy ở mức cơ bản.
Tất nhiên, có một lối thoát khác: Không kỳ vọng vào kết quả cao của học sinh. Rõ ràng, những học sinh có bố mẹ là viện sĩ hoặc có điều kiện mời thầy dạy thêm có thể làm bài tập về nhà đạt điểm ưu, và đạt điểm cao tại kỳ thi quốc gia thống nhất. Còn những người khác thì sao?
Bình luận về vấn đề này, bà Olga Vasilyeva, Bộ trưởng Bộ Giáo dục LB Nga nói: “Tôi nghĩ rằng không nên bỏ bài tập về nhà. Ở lớp 1 của chúng ta không có bài tập. Nhưng ở các lớp tiếp theo nhất định phải có bài tập về nhà. Nó giúp củng cố kiến thức tiếp thu được trên lớp. Hơn nữa, bài tập về nhà kích thích việc học tập. Tôi không hiểu vì sao lại có thể làm bài tập về nhà mấy giờ liền. Một số phụ huynh gặp tôi nói rằng học sinh chúng ta đang bị quá tải ngay từ lớp 1, và tôi nhất trí với họ. Vấn đề ở đây là phải tìm hiểu xem người ta đang dạy gì và dạy như thế nào trong nhà trường”.
Những nước nào đã bỏ bài tập về nhà?
Ở Pháp, bài tập về nhà cho tất cả học sinh dưới 11 tuổi đã được hủy bỏ. Nói chính xác hơn, học sinh làm bài tập ở lớp chứ không phải ở nhà. Ở tiểu học, mỗi ngày học sinh làm bài tập 30 phút vào cuối mỗi học.
“Bài tập về nhà cần được hủy bỏ vì học sinh các gia đình nghèo không có thời gian làm” - cựu Tổng thống Pháp François Hollande từng nói - “Ở nhà, phụ huynh không phải lúc nào cũng quan tâm đúng mức tới học sinh, trong khi đó ở trường, học sinh luôn luôn có thể kỳ vọng vào sự giúp đỡ của giáo viên”.
Ở Tây Ban Nha, các bậc phụ huynh đã tổ chức bãi công chống bài tập về nhà. Năm 2016, Liên minh Các hiệp hội phụ huynh học sinh Tây Ban Nha đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến và rút ra kết luận rằng cứ 5 học sinh Tây Ban Nha thì có 1 em mất gần 2,5 giờ làm bài tập về nhà. Hơn nữa, học sinh nào không làm bài tập về nhà sẽ bị thầy giáo phạt. Kết quả là ở Tây Ban Nha người ta giảm bớt bài tập về nhà. Hiện nay vào những ngày nghỉ, giáo viên hoàn toàn không giao bài tập về nhà.
Ở Na Uy, Phần Lan và Israel, người ta cũng đã bỏ bài tập về nhà. Thay cho bài tập, học sinh thực hiện các kế hoạch riêng được được đề ra cùng với thầy giáo. Ở nhà, học sinh chỉ đọc những cuốn sách và tài liệu thú vị giúp các em tìm hiểu môn học tốt hơn.