Chị Hoàng Anh cho biết, Kapi (con trai chị) từ nhỏ đã tự mày mò học nên trước khi vào lớp 1, bé đã đọc thông thạo cả tiếng Việt và Anh, làm toán nhoay nhoáy. Vì thế, học lớp 1 không gây khó gì với cậu bé ham học này.
Tuy nhiên, theo chị Hoàng Anh, chính vì “cái gì cũng biết” nên mẹ con chị gặp khá nhiều căng thẳng khi con trai vào lớp 1. Việc đầu tiên gây khó khăn với người mẹ như chị là cậu con trai không muốn làm bài tập về nhà. Chị Hoàng Anh chia sẻ:
Mấy hôm đầu mẹ còn chịu khó ngồi cạnh, nhắc con làm bài tập về nhà nhưng nhắc nhiều đến mức mệt và chán. Không nhắc thì lo con không có thói quen tốt, thiếu bài tập về nhà bị cô nhắc, trừ sao, trừ điểm. Còn nhắc nhiều thì mệt cả hai mẹ con, mất cả buổi tối chỉ có ngồi quát nhau làm bài tập về nhà.
Nếu để “củng cố lại kiến thức” thì Kapi không cần, bởi các chữ cái như e, a Kapi học từ hồi 7 tháng tuổi. Nhưng tôi không dám nói thế với Kapi, dù trong lòng thấy làm những bài tập đó vô cùng lãng phí thời gian. Thời gian 2 mẹ con ngán ngẩm, hò hét quát mắng nhau, để Kapi chơi lego, làm thí nghiệm, đọc sách… còn tốt hơn nhiều.
Chị Hoàng Anh muốn con chơi trò chơi sáng tạo còn hơn là ngồi viết những chữ đơn giản mà con đã biết.
Tôi muốn Kapi làm bài tập về nhà là để rèn thói quen tốt cho con, cho con có kỉ luật học tập... Nhưng lý do này cũng bị lung lay vì Kapi vốn có thói quen tốt rồi. Con đọc sách, làm thí nghiệm, xếp lego, đó là những trò chơi tốt, phát huy sáng tạo, còn ý nghĩa hơn rất nhiều việc ngồi chép mấy chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt hay vài chữ tiếng Anh đơn giản.
Không làm bài tập về nhà thì lo cô trừ điểm. Tuy nhiên, dù chỉ là một đứa trẻ, Kapi đã nói với mẹ rất rõ ràng rằng “là học sinh tiêu biểu của tháng thì rất vui nhưng con không cần mẹ ạ, đi học để học kiến thức, mấy cái kia không cần thiết”.
Dù cố tìm lý do nhưng tôi vẫn chưa thấy thuyết phục, tôi chưa biết xử trí thế nào về việc làm bài tập về nhà của con.
Điều khiến tôi rất lo lắng là mối quan hệ giữa Kapi và các bạn. Tôi thấy Kapi hay lang thang một mình. Giờ ra chơi con nói đi bắt ốc sên một mình, lúc thì lên thư viện đọc sách. Mấy hôm chờ mẹ đến đón cũng đi loanh quanh một mình. Con không chơi với nhóm bạn nào. Có hôm về con nói đến giờ học thể dục mà tìm mãi không thấy các bạn, quay về lớp lại thấy các bạn ở lớp rồi. Tôi có cảm giác Kapi chưa hòa nhập hay chưa tìm được nhóm bạn nào, điều này khiến tôi khá lo.
Chị Hoàng Anh băn khoăn: Nếu cho con đi xa hơn về kiến thức thì lại sợ con khó hòa nhập với bạn bè, nhưng không lẽ tôi phải để con “thụt lùi” cho dễ hòa nhập??
Tuy nhiên, việc định hướng cho con đi tiếp thế nào mới là nỗi lo lớn nhất của tôi. Dù về mặt kiến thức, Kapi chắc không cần học lớp 1 nhưng về mặt cư xử, hành vi, con vẫn rất non nớt nên tôi vẫn muốn cho con học lớp 1. Nhưng làm sao để hài hòa giữa việc vẫn tiếp tục phát triển về nhận thức và kiến thức cho con với việc củng cố hành vi và vững vàng về tâm lý?
Nếu tiếp tục bồi dưỡng tiếp cho Kapi thì Kapi sẽ đi càng xa so với chương trình đang học, để kệ thì thấy lãng phí thời gian và sợ cứ chơi thì con lại không có thói quen và kỉ luật học tập. Thêm vào đó, nếu cho con đi xa hơn về kiến thức thì lại sợ con khó hòa nhập với bạn bè, nhưng không lẽ tôi phải để con “thụt lùi” cho dễ hòa nhập? Về nhà, con thường nói với mẹ “Câu nào khó con mới trả lời, câu dễ con không trả lời”, “bài tập dễ quá chán lắm, con thích làm bài khó”. Tôi thấy tội nghiệp con mà không biết phải làm thế nào.