Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu

Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu

(GD&TĐ) - Ngày 4/12/2012, Hội nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu. Đến dự có đại diện gia đình nhà thơ cùng đông đảo bạn bè, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình và bạn đọc yêu mến thơ Tố Hữu. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã đến tham dự buổi lễ.

 

Nhà thơ Tố Hữu Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (sinh ngày 04 tháng 10 năm 1920 – mất ngày 09 tháng 12 năm 2002), quê ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).

Là nhà thơ, Tố Hữu đã chọn con đường Cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng. Ông quan niệm: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân.

Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác”.

Đối tượng thể hiện chủ yếu trong thơ Tố Hữu là những sự kiện lớn của dân tộc, những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tình chất toàn dân, những biến cố quan trọng tác động đến vận mệnh dân tộc, cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử dân tộc, là vận mệnh của cộng đồng.

Tất cả được thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên đằm thắm, chân thành. Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà.

Những bài thơ tiêu biểu

Bác ơi; Bài ca xuân 1961; Bài ca quê hương; Bầm ơi!; Có thể nào yên?; Đi đi em!; Đợi anh về (tập thơ dịch, 1998); Em ơi... Ba Lan; Hai đứa trẻ; Hồ Chí Minh; Hãy nhớ lấy lời tôi; Hoa tím; Hoan hô chiến sĩ Điện Biên; Kính gửi cụ Nguyễn Du;Lượm; Mẹ Suốt; Một tiếng đờn; Mưa rơi; Sáng tháng Năm; Ta đi tới; Từ ấy; Tâm tư trong tù; Theo chân Bác; Tiếng chổi tre; Tiếng hát sông Hương; Tiếng ru; Vườn nhà; Việt Bắc (thơ, 1954); Việt Nam máu và hoa…

V. Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ