Ước tính đến 30/9/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ đạt 87,42% dân số. Kết quả này thấp hơn 3,59% so với cuối năm 2021 (91,01%) và cách khá xa mục tiêu Quốc hội giao, đó là đến cuối năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số.
Đây là diễn biến “lạ” bởi trong suốt gần 7 năm qua (từ 2016 - 2021), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đều liên tục tăng trưởng và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tình trạng người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm nay do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, theo các quyết định của Thủ tướng và Ủy ban Dân tộc, danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của giai đoạn 2021 - 2025 có sự thay đổi.
Kéo theo đó, khoảng 3,1 triệu người rời khỏi danh sách này không còn được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế nữa. Khi không được Nhà nước hỗ trợ, họ cũng không tham gia bảo hiểm y tế.
Hơn nữa, tại các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, người dân tộc thiểu số không còn thuộc diện được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế nên cũng ảnh hưởng đến số lượng người tham gia.
Thứ hai, dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, song nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề nên chậm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Bên cạnh đó, không ít lao động phải nghỉ việc và giãn hoãn hợp đồng lao động, điều này dẫn đến những khó khăn đóng bảo hiểm cả cho chủ doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương.
Để thực hiện đạt mục tiêu đến cuối năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số theo Nghị quyết Quốc hội giao thì cần phấn đấu tăng 5 triệu người tham gia.
Nhiệm vụ này không đơn giản, nhất là khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chi phí đóng bảo hiểm y tế cũng là một sức ép không nhỏ và quỹ thời gian không còn nhiều.
Ở mặt khác, đây là vấn đề cấp bách vì sau hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất cao.
Việc không có bảo hiểm y tế sẽ khiến nhiều người dân, gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình; đặc biệt là nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân…
Chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời để nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân theo Nghị quyết Quốc hội đặt ra để bảo đảm an sinh xã hội.