Tuy nhiên, ở Nhật Bản, các trường học đang trông cậy vào Internet để duy trì một truyền thống được nhiều người yêu thích - dã ngoại trường học.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chuyến tham quan đang được thực hiện trên một nền tảng mới, nhằm cung cấp cho học sinh sự mô phỏng như thật.
Trong khi nhiều trường hủy hoặc hoãn các buổi đi chơi do cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, một số tổ chức giáo dục đã đưa học sinh đi “tham quan” mà không cần bước ra khỏi lớp học.
Theo một quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản, mục đích của các chuyến dã ngoại này là để trẻ học những thứ mà chúng không thể có khi tới lớp. Thông thường, học sinh sẽ tìm hiểu trước về địa điểm mình sắp tới để biết thêm về nơi đó.
Các điểm đến nổi tiếng bao gồm Tokyo, cũng như các trung tâm lịch sử và văn hóa của Kyoto và Nara ở phía Tây Nhật Bản; Hiroshima và Nagasaki - những thành phố từng là mục tiêu của bom nguyên tử vào cuối Thế chiến II; Hokkaido ở phía Bắc và Okinawa ở phía Nam cũng là nơi thu hút nhiều học sinh tới tham quan.
Tuy nhiên, do Covid-19, việc giữ an toàn cho học sinh và giảng viên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Giữa tháng 10, học sinh tại một trường THCS ở tỉnh Shizuoka đã tham gia dã ngoại ảo đến Kyoto và Nara, sau khi chuyến thăm thực tế của họ bị hủy bỏ.
Sử dụng ứng dụng Zoom, các học sinh lớp 3 tại Trường THCS Nagaizumikita đã tham quan Đền Yakushiji. Các em cũng được nghe bài giảng của sư thầy về Phật giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức và thái độ sống tích cực trong thời kỳ đại dịch.
Sau đó, các học sinh đeo tạp dề và làm món “nerikiri” truyền thống của Nhật Bản, thông qua một bài học từ xa do một thợ làm bánh kẹo ở Kyoto hướng dẫn. Chương trình kéo dài 4 giờ cũng bao gồm một cuộc thi. Trong đó, các diễn viên hài ở miền Tây Nhật Bản đã đố học sinh về sự hiểu biết của các em về khu vực này.
Manabu Watanabe - Phó Hiệu trưởng của trường, nhấn mạnh các chuyến đi ảo sẽ không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn việc đi tham quan. Tuy nhiên, chuyến đi trực tuyến đã giúp học sinh “nếm trải du lịch” vào thời điểm khó khăn này.
“Các em đang học cuối cấp 2, nên chúng tôi muốn trẻ có cơ hội tạo kỷ niệm với nhau. Các em nói rằng thực sự thích điều đó. Rõ ràng là tham quan ảo khác với việc đi du lịch thực tế, nhưng mục đích là giúp học sinh cảm nhận được chuyến đi dù chỉ là một chút”, ông Watanabe nói.
Chuyến đi ảo được tổ chức bởi Công ty du lịch Kinki Nippon Tourist Metropolitan Co. Tổ chức này đã khởi động chương trình tham quan từ xa vào cuối tháng 9.
“Mọi người bây giờ ngại đi du lịch theo nhóm đông người. Chương trình của chúng tôi nhằm mang đến một điều gì đó thú vị cho những người học đã bỏ lỡ chuyến đi của họ”, người phát ngôn của công ty cho biết.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda bày tỏ mong muốn các trường học tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, trong khi áp dụng các biện pháp chống dịch.
“Đối với trẻ em, những chuyến đi là một kỷ niệm vô giá và cũng rất hiệu quả về mặt giáo dục. Chúng tôi muốn yêu cầu các trường nỗ lực nhiều nhất có thể, bao gồm cả việc đi du lịch đến các điểm đến xa hơn”, lãnh đạo ngành Giáo dục nhấn mạnh.
Trước bối cảnh này, một số trường quyết định tiến hành thay đổi lịch trình của các chuyến dã ngoại, bao gồm rút ngắn thời lượng và chuyển điểm đến để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Thay vì đến một địa điểm xa và phải di chuyển nhiều trên tàu hỏa hoặc máy bay, học sinh tại các trường đã được tham gia chuyến đi tại địa phương.
Ngoài ra, một số trường đã hạn chế sử dụng hoàn toàn việc đi lại bằng tàu hỏa. Thay vào đó, họ chọn xe buýt để hạn chế sự tương tác của học sinh với những người xung quanh.