Chính sách này sẽ có hiệu lực ít nhất đến cuối tháng 2/2022, khiến 140.000 du học sinh không thể học trực tiếp.
Trong bối cảnh quốc tế chỉ trích lệnh đóng cửa biên giới của Nhật Bản là không hợp lý, nhiều sinh viên vẫn tiếp tục chờ đợi trong khi số khác đã từ bỏ. Các em thay đổi điểm đến du học khác như Hàn Quốc.
Nữ sinh Adeline Leng, 26 tuổi, quốc tịch Singapore, dự kiến theo học một trường ngôn ngữ tại Nhật Bản vào tháng 4/2021 nhưng vẫn chưa thể đến nước này do lệnh đóng cửa biên giới phòng Covid-19. Đối với Adeline, thời gian đợi nhập cảnh đang kéo dài đằng đẵng và khiến cuộc sống của cô thêm phần chật vật.
Đối với Anais Cordeiro de Mederios, quốc tịch Brazil, kế hoạch du học Nhật Bản đã tan thành mây khói. Nữ sinh 29 tuổi dự kiến học cao học tại Tokyo trong 2 năm, tính từ tháng 4/2020.
“Tôi bỏ việc, bán xe và nhận nhiều công việc làm thêm tại Brazil để chuẩn bị cho cuộc sống du học tại Nhật Bản. Đến nay, dù không được phép nhập cảnh, tôi vẫn chưa từ bỏ ước mơ đến Nhật Bản”, Anais bày tỏ.
Dù chênh lệch 14 múi giờ, nữ sinh vẫn theo dõi các lớp trực tuyến của trường đại học tại Tokyo. Đồng hồ sinh học của Anais hoàn toàn đảo lộn và nữ sinh không dám chắc có thể duy trì tình trạng này trong bao lâu.
“Tôi không phải là một mối đe doạ. Tôi chỉ là một sinh viên muốn được đặt chân đến đất nước này”, Anais xúc động cho hay.
Anh Davide Rossi, Giám đốc công ty hỗ trợ sinh viên quốc tế tại Nhật Bản, cho rằng, các chính sách “tiêu chuẩn kép” của Nhật Bản là không công bằng và vô lý.
“Ngày càng nhiều học sinh, sinh viên từng yêu mến Nhật Bản chuyển sang thất vọng với quốc gia này. Rất nhiều người lựa chọn đến Hàn Quốc thay vì Nhật Bản. Chúng tôi đã thành lập nhóm hỗ trợ sinh viên nước ngoài bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát biên giới của Nhật Bản nhưng điều này vẫn chưa đủ”, anh Rossi cho biết.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, ước tính có tới 147.000 học sinh, sinh viên đang chờ đợi để nhập cảnh vào Nhật bản nhưng một số lượng đáng kể trong số đó đã từ bỏ mục tiêu du học.
Lệnh cấm nhập cảnh của Nhật Bản đã chịu sự chỉ trích của quốc tế, bao gồm WHO. Tổ chức này đã thúc giục các quốc gia thành viên dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm đi lại quốc tế từ tháng 1/2022. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò của phương tiện truyền thông Nhật Bản chỉ ra hơn 80% người dân nước này ủng hộ chính sách thắt chặt biên giới.
Dù vậy, anh Rossi cho rằng, chính phủ nên đưa ra tiêu chí và thời gian rõ ràng về cách thức, thời gian cho phép sinh viên quốc tế nhập cảnh, từ đó các em có thể chuẩn bị đầy đủ điều kiện du học.
“Rất nhiều sinh viên quốc tế có tiềm năng, tài năng và kỹ thuật cao có thể đáp ứng nhu cầu học tập, thậm chí là việc làm, tại Nhật Bản, nhưng họ đang bị cản trở để phát huy khả năng. Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, việc thắt chặt lệnh cấm đi lại không có lợi cho người dân Nhật Bản và thế giới”, anh Rossi bày tỏ.