Chính phủ Nhật Bản không chỉ khuyến khích chị em lập gia đình, mà còn tặng quà cưới 600.000 yên (tương đương 133 triệu đồng) nếu họ xuất trình giấy đăng ký kết hôn.
Đàn ông ít nhưng vẫn ế
Nhật Bản hiện có dân số gần 127 triệu người. Theo số liệu tổng kết dân số vào ngày 31/12/2019 ở đất nước này, nam giới gồm khoảng 61,8 triệu người; khoảng 64,8 triệu người còn lại là nữ giới. Tỷ lệ nam/nữ là 954/1.000. Nếu ghép đôi, phụ nữ sẽ bị dư. Tuy nhiên, thực tế tại đây lại diễn biến sự nghịch đảo: Đàn ông bị ế.
Báo cáo thông kê từ Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội quốc gia (National Institute of Population and Social Security Research) Nhật Bản vào năm 2015 chỉ ra: Tỷ lệ nam giới trong độ tuổi từ 18 - 34 độc thân lên tới 69,8% (trong khi tỷ lệ phụ nữ cùng độ tuổi độc thân là 59,1%).
Ngoài ra, 51,5% phụ nữ tuổi từ 18 -3 4 bày tỏ không có ý định lấy chồng. Hậu quả của sự việc này là tỷ suất sinh vốn chỉ 1,45 (2015) đột ngột giảm xuống còn 1,37 (2020). Nhật Bản biến thành đất nước nhiều người già nhất thế giới, với 28,41% dân số là người từ 65 tuổi trở lên.
Cũng theo báo cáo tổng kết cuối năm 2019, dân số Nhật Bản giảm 500.000 người so với năm 2018, do có tới 1,4 triệu người tử vong, nhưng chỉ có 856.000 trẻ em chào đời. Ước tính đến năm 2065, tổng dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn 82 - 88 triệu người. Trong đó, lượng cao niên sẽ là 31 - 33 triệu người, chiếm hẳn 38,4% dân số. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì chỉ còn 14 triệu người, chiếm 17% dân số.
Phụ nữ chọn tự do
Từ thập niên 1960, Nhật Bản đã lo ngại tương lai dân số già vì tỷ suất sinh bắt đầu giảm. Vào năm 1966, tỷ suất sinh chạm mốc 1,58 khiến chính phủ đứng ngồi không yên. Năm 1989, tỷ suất sinh tiếp tục giảm xuống 1,57.
Văn hóa lối sống “trọng nam khinh nữ”, áp đặt “đàn bà nội trợ” khiến phụ nữ Nhật Bản kết hôn phải từ bỏ ước mơ và sự thăng tiến. Mặc dù Luật Lao động Nhật Bản quy định, phụ nữ mang thai được phép nghỉ và chăm sóc con nhỏ có lương. Tuy nhiên thực tế, đa phần chị em công sở tạm nghỉ sinh con đều mất việc. Nghĩa vụ “vợ đảm, mẹ hiền” đè nặng lên vai nữ giới Nhật Bản, khiến nhiều người từ bỏ hôn nhân, hoặc vẫn kết hôn nhưng trì hoãn sinh con. Kết quả là tỷ suất sinh tiếp tục giảm, xuống còn 1,26 vào năm 2005.
Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản buộc phải tìm mọi cách khuyến khích cánh chị em kết hôn và sinh con. Họ mở nhiều gói hỗ trợ tài chính, y tế, giáo dục cho bà mẹ và trẻ em. Từ năm 2007, đất nước này thậm chí cổ vũ hoạt động... săn chồng.
Trong tiếng Nhật, “săn chồng” được gọi bằng thuật ngữ Konkatsu, do nhà xã hội học Yamada Masahiro (1957) giới thiệu. Theo Masahiro, phụ nữ không cần cố một mình theo đuổi tự do, tự lập làm gì cho cực khổ. Thay vào đó, họ nên “vơ” lấy một anh chàng có thu nhập bằng hoặc cao hơn mình. Với điều kiện kinh tế này, anh ta chắc chắn có khả năng tự lo và đem tiền lương nộp cho vợ. Các chị em vừa không phải bỏ việc, lại được “thu nhập tối thiểu là gấp đôi”.
“Săn chồng chất lượng”
Ý tưởng của Masahiro được giới xuất bản và các đài truyền hình quan tâm. Họ phổ biến tác phẩm Thời đại Săn chồng (Konkatsu jidai) của ông và mở ra nhiều chương trình truyền hình thực tế cùng chủ đề. Đến năm 2009, săn chồng đã trở thành xu hướng thịnh hành trên cả nước. Chỉ là Masahiro không bao giờ ngờ được, phụ nữ Nhật Bản lại nâng cấp Konkatsu lên một tầm cao mới: “Săn chồng chất lượng”.
Trong khi Masahiro cố hướng cánh chị em vào các cuộc hôn nhân “đăng đối kinh tế” với chiêu bài “thu nhập gấp đôi”, phụ nữ Nhật Bản chỉ chuyên chú vào các đối tượng có vị thế và thu nhập cao hơn mình. Họ đăng ký vào các lớp “cô dâu bách nghệ đa tài”, học nấu ăn, massage, cắm hoa... Bằng việc trang bị cho mình một đống chứng chỉ “vợ đảm tiềm năng”, nữ giới chưa chồng Nhật Bản đưa bản thân lên một tầm cao mới. Và với tầm cao này, họ tự tin xứng đáng cưới được người đàn ông có điều kiện tuyệt vời hơn mình.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở xứ sở hoa anh đào, cánh chị em độc thân thoải mái khoe nhan sắc và thành tích. Họ cũng thẳng thắn cho biết “điều kiện tuyển chồng”. Nội dung bao gồm từ độ tuổi, ngoại hình cho đến mức lương, giá trị tài sản. Nếu gặp trúng đối tượng đáp ứng mọi yêu cầu, chị em Nhật Bản không ngại cưới luôn. Họ bỏ qua bước hẹn hò tìm hiểu, tiến thẳng tới cơ quan dân sự đăng ký kết hôn.
Trước khi “về chung một nhà”, các chị em lấy chồng bằng lý trí cũng thiết lập “hợp đồng hôn nhân”. Họ vạch rõ các nguyên tắc tư trong đối đãi, sinh hoạt, thậm chí cả quy định phân chia tài sản nếu ly dị.
Cuối cùng, cánh anh em xứ mặt trời mọc đã ế càng thêm ế. Theo số liệu thông kê mới nhất tại Nhật Bản trong năm 2020, chỉ có 1/5 đàn ông thuộc diện công việc chưa ổn định trong độ tuổi từ 30 - 34 đã kết hôn. Cánh anh em công sở cùng độ tuổi thì khá hơn, với 3/5 đã “thành gia lập thất”.
Trước câu hỏi “sao vẫn còn độc thân”, phần lớn đàn ông dưới 50 tuổi ở Nhật Bản trả lời: Vì không đủ điều kiện tài chính. Cực chẳng đã, chính phủ lại phải đứng ra lo liệu. Họ tiếp tục mở thêm các gói hỗ trợ và đưa ra chính sách ưu tiên phụ nữ kết hôn, ví dụ như cho phép đàn ông thay vợ nghỉ việc chăm sóc con nhỏ có lương.
Tháng 4/2020, Nhật Bản còn phê duyệt đề xuất tặng 1 triệu yên/trẻ sơ sinh (tương đương 221 triệu đồng). Các cặp vợ chồng mới sinh con chỉ việc xuất trình giấy khai sinh là được lĩnh khoản trợ cấp béo bở này. Chưa hết, chính phủ còn duyệt luôn đề xuất tặng mỗi cặp nam nữ mới kết hôn dưới 40 tuổi 600.000 yên (tương đương 133 triệu đồng). Với số tiền này thì dù “lấy nhau tay trắng”, một đôi vợ chồng trẻ người Nhật cũng đủ tài chính chi trả tối thiểu 4 tháng tiền thuê nhà cùng các khoản sinh hoạt phí căn bản.