Nhập khẩu gạo cao kỷ lục - bình thường hay bất thường?

GD&TĐ - 9 tháng qua, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta đạt 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,37 tỷ USD.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Về sản lượng, con số này tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023 và về giá trị tăng 23,5%.

Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan, 9 tháng của năm 2024, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta đạt tới gần 1 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt tổng kim ngạch nhập khẩu của năm 2023. Đây là mức nhập khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra là việc nhập khẩu gạo có phải là bất thường?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2019 đến nay, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta liên tục tăng. Cụ thể, năm 2019 là 465 triệu USD, sau đó giảm xuống còn 320 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, sang năm 2021, con số này lại tăng lên mức 718 triệu USD. Năm 2022 là 689 triệu USD, năm 2023 là 830 triệu USD.

Lý do phải nhập khẩu, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến là do những năm gần đây, người dân đã dần bỏ giống lúa có phẩm cấp thấp như IR50404 để chuyển sang sản xuất loại lúa thơm có phẩm cấp, chất lượng và giá bán cao khi xuất khẩu. Và loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm có giá thành thấp dùng để làm bánh, bún, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia…

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho rằng, kim ngạch nhập khẩu gạo tăng cao kỷ lục cho thấy nhu cầu đầu tư sản xuất của doanh nghiệp chế biến rất lớn. Và việc nước ta xuất khẩu gạo ngon, nhập khẩu loại gạo rẻ là bình thường.

Hơn nữa, lượng gạo nhập khẩu năm nay tăng còn có lý do là các doanh nghiệp dự đoán sản lượng lúa vụ hè thu giảm. Vụ thu - đông thường cho sản lượng thấp nhất trong năm nên khó có thể thể bù đắp được. Đặc biệt, tình trạng mất mùa ở miền Bắc do ảnh hưởng của mưa lũ cũng khiến nhu cầu nhập khẩu gạo tăng.

Về cơ bản, có thể lý giải nguyên nhân vì sao nước ta vẫn phải nhập khẩu gạo là như vậy. Tuy nhiên, việc này có thể nhìn nhận một cách sâu xa hơn đó là thời gian qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu giống của ngành lúa gạo đã dẫn đến thiếu hụt lượng gạo (phẩm cấp thấp) đáng kể phục vụ các nhu cầu chế biến, làm thức ăn chăn nuôi. Đó là chưa kể đến việc giá gạo của nước ta ngày càng cao nên doanh nghiệp phải tìm nguồn cung khác có giá thành phù hợp hơn.

Và từ thực tế này đã dẫn đến “nghịch lý” dù là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng lại phải nhập khẩu. Để “hóa giải nghịch lý” này, khi lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo hồi năm 2022, Bộ Công Thương đã có “động thái” dự kiến đưa thêm quy định về quản lý nhập khẩu lúa gạo, nhất là gạo giá rẻ từ các thị trường. Lý do là nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý đầy đủ, có thể ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Nhu cầu gạo phẩm cấp thấp để chế biến là rất lớn. Nhập khẩu gạo phục vụ chế biến cũng là điều bình thường trong hoạt động thương mại. Quan trọng hơn, như khẳng định của đại diện Bộ NN&PTNT thì việc này không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm và cũng nhập khẩu khối lượng lớn gạo giá rẻ để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển của ngành hàng lúa gạo của nước ta là hướng đến tăng chất lượng bằng các giống chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Bởi vậy, nên chăng cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần tính toán dành một diện tích nhất định để trồng các loại lúa phục vụ chế biến, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ