Nhập khẩu công nghệ phải gắn với đào tạo nhân lực

GD&TĐ - Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đang không ngừng gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đồng thời tạo ra các chuỗi giá trị mới. 

Nhập khẩu công nghệ phải gắn với đào tạo nhân lực

Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực để phát huy và hoàn thiện công nghệ nhập khẩu lại chưa thực sự được quan tâm, đây cũng là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt lưu ý.

Ít quan tâm đến nội hàm công nghệ

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và cao gấp 3 lần giá trị xuất khẩu cùng ngành hàng. Trong các ngành hàng nhập khẩu, đây là ngành hàng luôn dẫn đầu về tỉ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu. Năm 2014, tỉ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác chiếm 15,2% tổng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đình Minh, Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho biết, về thực trạng nhập khẩu công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan. Kết quả cho thấy, nhìn chung, việc theo dõi, thống kê, đánh giá các công nghệ nhập của các bộ, ngành chưa thực hiện được; Chưa tổ chức được việc theo dõi, thống kê, đánh giá công nghệ nhập một cách hệ thống. Vì vậy, chưa đánh giá chính xác được giá trị, số lượng, chủng loại của các công nghệ nhập theo từng lĩnh vực.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí, điện - điện tử, xây dựng, y tế, chế biến nông lâm sản… phần lớn các doanh nghiệp có xu hướng nhập nguyên chiếc máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ để sử dụng, miễn sao đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh, đạt lợi nhuận cao, hầu như ít quan tâm đến nội hàm công nghệ được sử dụng kèm theo.

Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc: Nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất khi chưa đủ năng lực sản xuất. Sau khi làm chủ công nghệ nhập, nhập khẩu công nghệ có chọn lọc, tập trung vào các công nghệ nguồn, công nghệ chủ đạo tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sức cạnh tranh lớn. Còn Thái Lan, chiến lược chuyển giao, nhập khẩu công nghệ lại chủ yếu thông qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. Với Đài Loan, đầu tiên công nghệ được nhập vào qua kênh FDI. Sau đó chuyển sang tập trung nguồn lực để nhập công nghệ dưới hình thức nhượng quyền sử dụng, tiến tới chủ động nghiên cứu và phát triển, chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo công nghệ.

Tạo đột phá về giáo dục nghề nghiệp

Với Việt Nam, theo các chuyên gia, việc nhập khẩu công nghệ cần phải tìm kiếm, sau đó làm chủ công nghệ. Lựa chọn các công nghệ hiện đại, nhưng cũng phải tránh các công nghệ đang ở giai đoạn thử nghiệm. Việc nhập khẩu công nghệ nhất thiết phải gắn với đào tạo nhân lực, phải giải mã, nghiên cứu triển khai, phát triển và hoàn thiện công nghệ.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học. Đưa nội dung dạy nghề vào trường phổ thông và tạo ra đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

Các cuộc làm việc của VCCI với các Phòng Thương mại và Công nghiệp cùng với cộng đồng doanh nghiệp các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang nhắm tới một chương trình phối hợp hành động để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây được xem là một yêu cầu quan trọng của tiến trình hội nhập sau yêu cầu hội nhập về thể chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.