Nhân viên y tế kiêm nhiệm: Vừa làm vừa lo

GD&TĐ - Thiếu người, nhiều năm liền không được giao biên chế, hàng trăm trường học tại Nghệ An phải bố trí GV, nhân viên kiêm nhiệm công việc y tế học đường.

Học sinh Nghệ An được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ảnh: TG
Học sinh Nghệ An được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ảnh: TG

Trong khi đó, công tác y tế mang tính đặc thù, việc kiêm nhiệm khiến GV, nhân viên nhà trường chịu nhiều áp lực, vừa làm vừa lo.

Giáo viên âm nhạc kiêm nhân viên y tế

Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) có 5 điểm lẻ với hơn 300 HS. Đóng tại xã tái định cư khó khăn, nhưng trường vẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, phần lớn thời gian trong ngày, HS ở trường, nhu cầu được quan tâm, theo dõi sức khỏe rất lớn. Nhưng đến nay, trường chưa có nhân viên y tế, thay vào đó là GV hoặc nhân viên kiêm nhiệm.

Năm học 2020 – 2021, thầy Lương Xốm Báy vừa dạy Âm nhạc, kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội và nhân viên y tế của trường. Đảm nhận 3 vai trò lại phải thường xuyên di chuyển từ điểm bản này tới điểm bản khác cách xa nhau khiến thầy rất vất vả. Trường cũng có phòng y tế và cơ số thuốc phục vụ sơ cấp cứu ban đầu ở 5 điểm trường. Nhưng do không được đào tạo ngành y, thầy Báy không dám kê đơn cho HS uống thuốc khi gặp sự cố. 

Theo thầy Đậu Đình Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến, nhiệm vụ chính của nhân viên y tế kiêm nhiệm là lập hồ sơ, theo dõi sức khỏe HS. Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền giữ vệ sinh, phòng dịch bệnh... Khi HS gặp sự cố sức khỏe, tai nạn thương tích, nhân viên của trường băng bó sơ cứu bước đầu, hoặc ghi nhận tình trạng sau đó chuyển đến trạm y tế.

“Dù vậy, nhân lực trạm y tế xã mỏng, trong khi địa bàn có tới 3 trường học với hàng chục điểm trường. Mong mỏi của chúng tôi là có nhân viên y tế chuyên trách, để việc quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe HS tốt hơn”, thầy Đức nói. 

Nhân viên y tế khử khuẩn lớp học trước khi học sinh trở lại trường sau đợt dịch Covid - 19.
Nhân viên y tế khử khuẩn lớp học trước khi học sinh trở lại trường sau đợt dịch Covid - 19.

Còn tại Trường THCS Nam Kim (huyện Nam Đàn), công tác y tế học đường được giao cho cả nhân viên kế toán và thiết bị thư viện kiêm nhiệm. Mục đích để thay phiên nhau trực tại trường. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường cũng trực thường xuyên ở trường để xử lý vấn đề liên quan đến HS, GV. 

Thầy Lê Văn Luận – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Không ít HS bị đau bụng, đau đầu, gặp tai nạn thương tích, hiệu trưởng và nhân viên kiêm nhiệm phải bỏ dở công việc ở trường, cùng đưa em đó đi cấp cứu, khám chữa bệnh ở trạm xá hoặc bệnh viện. Vì nhân viên kiêm nhiệm không có chuyên môn và năng lực về y tế. Cũng theo thầy Luận, ngoài thiếu nhân viên y tế, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn. Trường THCS Nam Kim chưa có phòng y tế riêng mà ghép chung trong phòng văn thư, thủ quỹ. 

Nhà trường vất vả xoay xở

Tính đến hết năm 2020, Nghệ An có 96% HS tham gia bảo hiểm y tế. Theo quy định, nhà trường được trích 5% từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế học đường. Tuy nhiên, để được trích giữ lại 5% trên, trường học cần bảo đảm nhiều điều kiện. Trong đó phải có biên chế nhân viên y tế. Nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Điều kiện này hầu hết trường học tại Nghệ An đều vướng mắc hoặc không bảo đảm.

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi là 1 trong 5 trường THCS trên địa bàn huyện Đô Lương may mắn có biên chế nhân viên y tế. Thầy Trần Hoàng Thượng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nhân viên y tế của trường trình độ cao đẳng điều dưỡng, có thể đảm nhận tốt việc sơ cứu ban đầu cho HS khi gặp sự cố tại trường. Nhưng do không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên việc khám chữa bệnh ban đầu tại trường không thực hiện được. 

Kiểm tra chất lượng vật phẩm y tế trước khi cho học sinh sử dụng.
Kiểm tra chất lượng vật phẩm y tế trước khi cho học sinh sử dụng.

Trước những vướng mắc này, năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành hướng dẫn liên ngành Sở GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế. Theo đó, với cơ sở giáo dục không có nhân viên y tế trường học chuyên trách, kiêm nhiệm, hay nhân viên y tế trường học không đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 146 thì ký hợp đồng với trạm y tế phường/xã. Hoặc hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên theo phân công của trung tâm y tế tuyến huyện để chăm sóc sức khỏe cho HS. 

Trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Thanh Chương) có 6 biên chế nhân viên trường học trong đó có y tế. Theo thầy Lê Văn Thành – Hiệu trưởng nhà trường, để có đủ điều kiện lập hồ sơ, trích chuyển, thanh toán, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh ban đầu, nhà trường hợp đồng với Trạm Y tế xã Thanh Giang (huyện Thanh Chương) nằm trên địa bàn. 

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, 100% trường học trên địa bàn tỉnh có phòng y tế và cán bộ làm y tế nhưng chỉ có 922/1.583 trường có cán bộ y tế chuyên trách. Hơn 660 trường còn lại là cán bộ kiêm nhiệm y tế học đường. Về trình độ chuyên môn, mới chỉ có 190 y sĩ, còn lại là723 y tá, 417 GV kiêm nhiệm và 244 cán bộ khác. 

Trước thực tế trên, phần lớn các trường học tại Nghệ An đều phải hợp đồng với trạm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh theo quy định để thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho HS. Vừa qua, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo về việc tuyển dụng nhân viên y tế, kế toán... trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và UBND các huyện, thành thị rà soát biên chế ngành Giáo dục để tuyển dụng các vị trí trên.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã thông báo và đề nghị các địa phương, sở ngành liên quan rà soát nhu cầu. Qua đó tổng hợp, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng vị trí nhân viên thuộc nhóm hỗ trợ (kế toán, y tế, thư viện thiết bị...). Trong đó, đặc biệt ưu tiên nhân viên y tế trước đó đã hợp đồng làm việc với các trường mà chưa có biên chế tuyển dụng. Đồng thời, khuyến khích nhân viên y tế hiện có đi học chứng chỉ hành nghề để đảm nhận chăm sóc ban đầu cho HS tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ