Trò chuyện hàng giờ với F0
Từ khi học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch đến nay, anh Mai Ngọc Trung – nhân viên y tế trường THCS Lương Thế Vinh (Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tham gia 2 đợt hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch. Đợt đầu, anh Trung cùng tổ nhân viên y tế học đường của ngành GD&ĐT quận tham gia hỗ trợ tại phường Hòa Minh, từ 13/5 đến 9/6. Đợt 2 là từ 15/7 cho đến nay.
Theo sự phân công của cơ quan y tế, nhóm 8 nhân viên y tế học đường của ngành Giáo dục sẽ thực hiện các công tác truy vết F1, F2; hỗ trợ cho lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và trực tại trạm y tế.
Anh Mai kể, vất vả và áp lực nhất, đòi hỏi phải có sự khéo léo, kiên nhẫn nhất có lẽ là công việc truy vết F1, F2.
“Nhớ nhất là lần tham gia truy vết ở chung cư nhà ở xã hội Thanh Vinh. Đó có lẽ là lần mình phải mặc bộ đồ bảo hộ lâu nhất, từ 3h chiều cho đến hơn 10h đêm, leo bộ lên xuống qua nhiều tầng lầu, lên đến tầng 12.
Khát nước khô cổ vì phải nói nhiều, nói to mà không dám uống nước. Nhịn uống nước để không phải đi vệ sinh. Đến khi xong việc thì mệt nhoài, mà cũng không dám về nhà vì mình tiếp xúc với môi trường quá nhiều nguy cơ” – anh Trung kể.
Khi nhận tin báo ở chung cư E2 có 2 ca F0, trạm điều động 2 nhân viên Y tế ở trạm và 3 tình nguyện viên là nhân viên y tế học đường đến truy vết F1 - F2, thế là anh em lấy đồ bảo hộ lên đường.
“Mọi người ở chưng cư chưa biết có chuyện gì, thấy nhân viên y tế mang đồ bảo hộ nên họ rất lo sợ khi nghe thông báo ở tầng 5 có 2 F0... Chúng tôi đề nghị mọi người vào nhà, không được ra ngoài. Anh em di chuyển tầng 5, đến phòng 16, gõ cửa. Chúng tôi yêu cầu không được mở cửa, chỉ mở cửa gương để nói chuyện, nhắc nhở bệnh nhân đeo khẩu trang vào và giữ khoảng cách 3m” – anh Trung nhớ lại.
Theo lời kể của anh Trung, lúc này bệnh nhân chưa biết mình bị dương tính, trong nhà bệnh nhân có 4 người, 2 mẹ con và 2 người bạn của con đến chơi. Khi nghe thông báo F0, mấy người trong nhà lo lắm. Bệnh nhân nhận trông giữ trẻ tại nhà nên rất nhiều người đưa con đến gửi.
“Mình đưa giấy khai báo y tế mà không viết được. Nhóm chúng tôi phải động viên, trấn an bệnh nhân bình tĩnh để có thể nhớ hết được đã tiếp xúc gần với những ai. F0 chơi rất thân với bà bán tạp hóa ở tầng 10. Ngày nào 2 gia đình cũng ngồi ăn chung, mà bà bán tạp hóa thì bán cho cả chưng cư 12 tầng...”.
Hơn 4 tiếng đồng hồ cứ vừa nói chuyện vừa gợi nhớ, nhóm đã xác định được 18 F1 phải đi cách ly tập trung và gần 100 F2. Trạm y tế phường báo cáo đề xuất với các cấp phong tỏa toàn bộ chung cư vì bà bán tạp hóa đi và tiếp xúc rất nhiều người.
Ngay ngày hôm sau, nhóm anh Trung tiếp tục hỗ trợ cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm toàn chung cư. Từ đó đến nay, theo anh Trung, đã có 5 lần lấy mẫu ở khu chưng cư và 4 khu (B1. B2, E1, E2) đều có ca nhiễm nên phải phong tỏa cả 4 block.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Dặn dò chồng nhớ cho con ăn đúng bữa, chị Nhâm Thị Phương Mai (nhân viên y tế Trường Mầm non 1/6, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) dắt xe đến địa điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm.
Liên tục trong hai ngày 8 và 9/9, chị Mai cùng 2 nhân viên y tế trường học khác trong nhóm sẽ hỗ trợ đội lấy mẫu với khoảng 11.000 mẫu tại các khu dân cư. Mỗi ngày, nhóm đều ít nhất hai lần mặc đồ bảo hộ. Mỗi lần ít nhất 3 tiếng đồng hồ dưới thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Rà từng ngõ, gõ từng nhà trong tổ dân phố có liên quan đến ca bệnh để nắm lịch trình di chuyển, tiếp xúc, từ đó truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với F0.
Mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, đeo 2 lớp khẩu trang, găng tay và chủ yếu phải đi bộ, chị Phương Mai kể, vì phải đảm bảo khoảng cách 2 mét để thực hiện giãn cách nên gần như đến nhà nào cũng phải nói to, chưa kể là phải có những câu hỏi khơi gợi vì không phải người nào cũng nhớ hết được lịch trình đi lại, tiếp xúc của mình.
Có nhiều gia đình không chịu hợp tác, nhóm đã phải nhờ tổ trưởng tổ dân phố, thậm chí là công an hỗ trợ.
Gần tháng nay, công việc của chồng chị Mai buộc phải dừng lại cho thành phố triển khai các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch. Vì thế, chị Mai không phải gửi đứa con 4 tuổi sang nhà hàng xóm chơi để đi trực.
Trường hợp của chị Trần Thị Ngọc Dung (nhân viên y tế trường THCS Lương Thế Vinh) thì chồng mất sớm, mỗi lần có ca trực là phải đưa con sang gửi nhờ ở nhà bà ngoại.
Ông Nguyễn Thanh Lịch – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&DT Liên Chiểu cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận Liên Chiểu có nhiều diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, công tác triển khai lực lượng phòng chống dịch là việc làm hết sức cấp thiết vào lúc này. Công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm là một khâu rất quan trọng trong giai đoạn này nhưng tình hình nhân lực y tế không đủ lực lượng để đảm bảo triển khai thực hiện triệt để.
Trước tình hình đó, trên tinh thần kêu gọi của Thường trực Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu, ngành GD&ĐT quận Liên Chiểu đã xung phong tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng để góp một chút sức lực cho công tác phòng chống dịch của quận nhà, trong số giáo viên, nhân viên của ngành tham gia có một lực lượng nhân viên y tế học đường.
Với mong muốn dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi, các nhân viên y tế đã vượt qua những nỗi lo toan về con cái, gia đình, người thân để cùng đồng hành với các lực lượng tuyến đầu chống dịch để hoàn thành các công việc được giao”.
Sau lưng họ, may mắn thay còn có những người chồng, người cha, người mẹ, người bạn .... đã thông cảm, chia sẻ để họ yên tâm công tác. Với cái nóng của mùa hè, mùa mà họ được nghỉ theo chế độ, trong bộ đồ bảo hộ, họ vẫn luôn nhiệt tình, hăng hái tham gia trong tâm thế đầy năng lượng.