ĐIỀU CHỈNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ HỌC ĐƯỜNG:

Nhân viên trường học mong cũng được quan tâm đúng mức

GD&TĐ - Nhiều nhân viên nuôi dưỡng tại trường học bày tỏ nguyện vọng tới các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm giúp cải thiện đời sống để họ gắn bó với nghề.

Nhân viên nuôi dưỡng tại một trường mầm non ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.
Nhân viên nuôi dưỡng tại một trường mầm non ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Cấp trên đã có sự quan tâm

Ngày 23/12/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản số 7583 hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã chấp thuận đề xuất của Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh vị trí việc làm nhân viên y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Đón nhận thông tin này, cô Phạm Thị Thu Hương - nhân viên y tế Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi sắp tới, vị trí nhân viên y tế học đường sẽ được nhìn nhận và tạo điều kiện hơn để đội ngũ thêm động lực gắn bó với nghề. Đây là một bước đi đúng đắn của ngành Giáo dục và ngành Nội vụ với đội ngũ nhân viên trường học.

Cô Phạm Thị Thu Hương - nhân viên y tế Trường THPT Phan Đình Phùng đo huyết áp cho học sinh tại phòng y tế của trường. Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Phạm Thị Thu Hương - nhân viên y tế Trường THPT Phan Đình Phùng đo huyết áp cho học sinh tại phòng y tế của trường. Ảnh: Đình Tuệ.

Cũng theo cô Hương, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học khá nhiều. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ này cùng với các lực lượng khác trong nhà trường phải thường xuyên tham công tác phòng chống dịch. Nhân viên y tế cũng là bộ phận đầu tiên thực hiện xử lý các sơ cứu ban đầu của học sinh, giáo viên.

Cô Đặng Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học bao gồm chăm sóc sức khỏe học sinh và công tác bảo hiểm cho các em. Đồng thời, lực lượng này cũng phối hợp truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường và tư vấn tâm lý học đường... nên khá vất vả.

"Khi biết tin Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT đề nghị đưa nhân viên y tế học đường sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Tôi mong muốn sắp tới các cấp sẽ có sự quan tâm nhiều hơn tới chị em để cải thiện thu nhập, xứng đáng với những gì mình cống hiến", cô Mạc Thị Hiền - nhân viên y tế Trường THCS Tây Đằng nói.

Còn đó những tâm tư

Cô Chu Thị Thanh Thủy - nhân viên nuôi dưỡng tại huyện Ba Vì phải tranh thủ đi bán quần áo thuê để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Cô Chu Thị Thanh Thủy - nhân viên nuôi dưỡng tại huyện Ba Vì phải tranh thủ đi bán quần áo thuê để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Cô Chu Thị Thanh Thủy - nhân viên nuôi dưỡng tại huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, chăm sóc và giáo dục trẻ là hai nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ mầm non. Cô Thủy vào ngành từ năm 2010 và hưởng theo mức lương cơ bản.

Với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cô cũng như các đồng nghiệp được chuyển sang ngạch lương có mã ngạch 01.007. Kể từ đó, người mới vào nghề hưởng bậc 1 hệ số 1,65. Sau 13 năm công tác, lương của cô Thủy hiện nay là bậc 7 có hệ số 2,73 với mức lương hiện hưởng là 4.398.030 đồng mà chưa được hưởng bất cứ chế độ phụ cấp nào.

"Chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cả chuyên môn lẫn các hoạt động, phong trào của ngành. Cùng làm trong ngành Giáo dục nhưng dường như nhân viên nuôi dưỡng đang bị lãng quên. Nhìn các bộ phận khác được quan tâm mà chúng tôi thấy chạnh lòng. Mong các cấp quan tâm đúng mức để chúng tôi cảm thấy yên tâm bám nghề hơn", cô Thủy tâm sự.

Chung tâm trạng trên, cô Nguyễn Thị Hoài Dung - nhân viên nuôi dưỡng tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) từ năm 2010 cho biết, phải làm việc ở bếp ăn với nhiều tiếng ồn gây ù tai; bếp có mức nhiệt cao, nhất là vào mùa Hè khi thời tiết nắng nóng, hệ thống bếp thổi hơi nóng quanh người; thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như nước rửa bát gây viêm da.

Môi trường làm việc của các nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên tiếp xúc với hơi nóng và tiếng ồn.

Môi trường làm việc của các nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên tiếp xúc với hơi nóng và tiếng ồn.

Lúc mới vào nghề, cô Dung là lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000 của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2000 (Nghị định 68), hàng tháng cô chỉ nhận được 4,3 triệu đồng tiền lương. Đến nay khi áp dụng mức lương cơ sở mới và chuyển sang dạng lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022, mức thu nhập của chị tăng thêm 300.000 đồng.

"Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm để đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng được hưởng phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên, hưởng lương theo bằng cấp, chuyển sang ngạch viên chức… Điều này mới xứng đáng với công sức, cống hiến của chúng tôi dành cho giáo dục mầm non nói riêng, nền giáo dục nước nhà nói chung", cô Nguyễn Thị Hoài Dung kiến nghị.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ và nhấn mạnh, nhiệm vụ y tế trường học rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ