Hiện cả nước có trên 35 nghìn nhân viên thư viện. Mặc dù chính sách cho đội ngũ đã có nhưng bao năm qua chưa đi vào cuộc sống khiến nhiều người không thể cầm cự do thu nhập quá thấp.
14 năm cống hiến, lương chưa tới 7 triệu đồng/tháng
Gắn bó với vị trí nhân viên thư viện trường học ở thị xã Duy Tiên (Hà Nam) từ năm 2010 theo dạng hợp đồng, năm 2022 cô Nguyễn Thị Ngọc Hường mới trúng tuyển viên chức. Sau khi trừ bảo hiểm, thu nhập hiện tại của cô Hường là 4,6 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thêm khoản phụ cấp nào khác. Với mức thu nhập này, nhân viên thư viện khó để trang trải cuộc sống. Sau giờ làm, cô Hường tranh thủ làm shipper, cấy lúa, bán hàng online cộng với thu nhập của chồng làm kinh doanh tự do nên kinh tế gia đình tạm ổn để nuôi hai con ăn học.
“Ngoài nhiệm vụ chuyên môn như bảo quản, xử lý sách mới đúng quy trình, cho giáo viên, học sinh mượn trả theo lịch, đội ngũ nhân viên thư viện phải thực hiện các công việc của giáo viên là lên kế hoạch bài dạy và văn thư. Có nơi, chúng tôi còn tham gia công tác phổ cập, trực y tế, hay đi trợ giảng, hỗ trợ giáo viên soạn giảng các tiết chuyên đề, hội thi giáo viên giỏi..”, cô Hường nói.
Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) trao đổi, trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, nhân viên thư viện nhà trường luôn nắm rõ nhiệm vụ của mình và tiếp cận tìm hiểu những tài liệu, khảo sát nhu cầu thực tế của học sinh, giáo viên. Đồng thời góp ý để nhà trường lên kế hoạch mua sắm nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu học tập, giải trí của học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường triển khai thư viện với không gian mở - thư viện xanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp nguồn học liệu giúp việc tìm kiếm tài liệu của học sinh, giáo viên trở nên dễ dàng hơn. Điều này đòi hỏi tâm sức của đội ngũ nhân viên thư viện nhiều hơn.
Đề cập đến thực trạng đội ngũ nhân viên thư viện, Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 18/12/2003 gửi Bộ Nội vụ nêu rõ: Toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán; trên 32.100 nhân viên y tế, trên 35.100 nhân viên thư viện, gần 32.300 nhân viên thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 nhân viên công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.
Đối với nhân viên kế toán, giáo vụ, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ người khuyết tật khi mới được tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương theo hệ số lương viên chức loại A0 có hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 (mức lương dưới 10 năm công tác khoảng 3,6 triệu đồng đến 4,8 triệu đồng/tháng; trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 5,4 triệu đồng đến 8,8 triệu đồng/tháng chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội).
Ngoài ra, nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1 so với mức lương cơ sở (tương đương 180.000 đồng/tháng). Nhân viên thiết bị thí nghiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 (tương đương 360.000 đồng/tháng).
Nhân viên khác như: Thư viện, y tế, văn thư, công nghệ thông tin mới được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được xếp lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 (mức lương dưới 10 năm công tác từ 3,3 đến 4,0 triệu đồng/tháng; mức lương trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 4,4 đến 7,3 triệu đồng/tháng chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội). Ngoài lương cơ bản, nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20% so với mức lương cơ bản nhưng nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp.
Bỏ cuộc… giữa chừng
Là nhân viên thư viện trường học tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), cô Phạm Thị Chiêm chia sẻ: “Chúng tôi phải kiêm nhiệm công tác dạy tích hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức trong các tiết Chào cờ. Tổ chức hoạt động đọc tại lớp, phòng đọc của trường hay điểm thư viện ngoài sân trường vào giờ ra chơi. Hằng tháng đi kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, giám sát nền nếp học tập...”.
Gắn bó nhiều năm với thư viện trường học tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), hằng ngày cô Lê Thị Ngọc phải di chuyển hai chiều từ huyện Vĩnh Lộc đến huyện Ngọc Lặc với gần 50 km hết khoảng 3 tiếng đồng hồ, chưa kể những hôm trời mưa, rét đi lại khó khăn. Ngày làm 8 tiếng, buổi sáng đi sớm, chiều về muộn, chồng làm công chức Nhà nước lại thêm 3 con nhỏ không có người chăm sóc. Ở trường và di chuyển trên đường gần như hết ngày, cô không có thời gian làm thêm hay chăn nuôi thêm gì nên kinh tế gia đình luôn trong cảnh bấp bênh.
“10 năm về trước, tôi ý định xin nghỉ việc nhưng rồi bố mẹ động viên, lại tiếc công ăn học, thêm những năm thanh xuân cống hiến với nghề đành cố gắng tiêu pha dè xẻn từ đồng lương ít ỏi. Đầu năm 2023, khi sức khỏe bị ảnh hưởng, lương vẫn eo hẹp mà con mỗi ngày mỗi lớn, chi phí ngày càng tăng thêm, tôi đành viết đơn xin nghỉ việc. Cầm tờ đơn mà lòng nặng trĩu, buồn lắm, xót lắm. 18 năm cống hiến với bao tâm huyết, thanh xuân dành trọn cho nghề vậy mà đành bỏ giữa chừng”, cô Lê Thị Ngọc xót xa nói.
Đồng cảm với những vất vả, thiệt thòi của đội ngũ nhân viên thư viện, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, lãnh đạo các cấp cần nghiên cứu, bổ sung chế độ phụ cấp xứng đáng với tính chất công việc của nhân viên thư viện trường học. Thu nhập thấp, khối lượng công việc nhiều dẫn tới hệ lụy không tuyển hoặc không thể giữ chân nhân viên thư viện. Do đó, rất cần giải pháp đồng bộ từ các bộ/ngành để tạo động lực làm việc cho đội ngũ này.
Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/12/2023, Bộ GD&ĐT nêu: Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện chế độ, chính sách về lương, phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác cho đội ngũ viên chức kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị thí nghiệm... phục vụ trong trường học (gọi là nhân viên trường học) cơ bản bảo đảm theo quy định; một số ít địa phương đã tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức này (trường hợp có phân hạng) theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản khi triển khai thực hiện chế độ, chính sách phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác đối với đội ngũ viên chức vị trí việc làm chuyên môn dùng chung chưa đồng nhất trên toàn quốc. Mặt khác nhiều địa phương chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học nên chưa đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ.
Bài 2: Nhân viên thư viện mòn mỏi chờ chế độ: Mắc kẹt giữa... chính sách
Bài 3: Nhân viên thư viện mòn mỏi chờ chế độ: Đề xuất nhiều chế độ, chính sách
Bài 4: Nhân viên thư viện mòn mỏi chờ chế độ: Nhân viên hay giáo viên?
Bình luận
Lý dín
Tủi thân khi mang phận nhân viên. Kiêm nhiều việc nhưng chế độ không có. GV kiêm gì được đấy. Còn nhân viên như lẽ đương nhiên phải làm.
Thích Trả lời
Phamh Thị Nga
Lương của một nhân viên thư viện học ĐH, hưởng lương TC sau 14 năm công tác không bằng lương của một GV hết tập sự. Chúng tôi thực sự rất buồn!
Thích Trả lời
Trần Tường Vy
Mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đến đội ngũ nhân viên Thư viện trường học, cũng ngày làm 8 tiếng, cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường, ngoài ra còn ti tỉ việc không tên phục vụ cả trường mà không hề có thâm niên, không hề có ưu đãi. Có thực mới vực được đạo, bảo sao nhiều người muốn bỏ việc vì sự bất công bằng ạ!
Thích Trả lời
Vũ Thị Thúy
Trong trường học giáo viên hàng chục người trong 1 trường mà mọi ưu đãi điều đáp ứng được? Còn nhân viên Thư viện chỉ có 1 người trong 1 trường thì lại không được hưởng một chế độ đãi ngộ nào cả ngoài lương. Chúng tôi cũng có trình độ đại học thì lại hưởng lương trung cấp. Vì yêu nghề nên chúng tôi vẫn luôn gắng bó với nghề. Đặt công tác phục vụ giáo viên và học sinh toàn trường là trên hết. Không chỉ làm riêng công tác Thư viện mà chúng tôi còn kiêm thêm công tác khác như thiết bị, văn thư, y tế... Nhưng lương vẫn tính 1 đầu lương và không có thêm bất kì một khoản phụ cấp nào về công tác kiêm nhiệm. Trong khi giáo viên còn có tăng giờ nếu như họ phải soạn giảng vượt số tiết. Thật bất công cho nhân viên thư viện trong khi họ cũng phục vụ trong ngành giáo dục nhưng không được hưởng chế độ của nhà giáo
Thích Trả lời
Vũ Thị Hường
Mong bộ nội vụ và bộ tài chính duyệt 25% phụ cấp cho chúng cháu đỡ thiệt thòi, và được truy lĩnh tiền bồi dưỡng bằng hiện vật theo hướng dẫn của Bộ văn hóa và du lịch.
Thích Trả lời
Nam Lê
Mong mỏi được cấp trên quan tâm và thấu hiểu đến đội ngũ nhân viên trường học nói chung và nhân viên thư viện trường tiểu học nói riêng. Hiện nay theo TT 16 thì yêu cầu về công việc cao hơn, áp lực hơn bên cạnh đó nhân viên thư viện trường tiểu học còn phải kiêm nhiệm thêm công thác thiết bị mà không được hỗ trợ thêm thu nhập. Thực sự 01 người làm hai công việc này là quá nặng nề và áp lực mong có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp để chúng tôi có động lực và yên tâm công tác.
Thích Trả lời
Trương Thị Hà
Nhân viên thư viện trường học thực hiện nhiệm vụ theo thông tư 16 rất vất vảthiệt thòi lắm ạ,cũng học hành đầy đủ bằng cấp này chứng chỉ kia,công việc khi được giao đều cố gắng hoàn thành tốt,khi được phân tiết quản lí HS thì trách nhiệm cũng không khác gì 1 giáo viên chủ nhiệm hoặc GV bộ môn cũng đủ 45 phút, cùng trong ngành với nhau khi nhìn bảng lương thấy mình luôn luôn là nằm cuối cùng. Rất mong nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo để người làm công tác thư viện trường học có mức lương đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác!
Thích Trả lời
Vi Thị Thơm
Thật sự nản với cái gọi là nghề thư viện trường học. Đi làm 12 năm không bằng lương gv mới vào nghề. Không ưu đãi, không phụ cấp. Mà công việc rất vất vả? Kiêm thêm nhiều việc. Làm cả ngày không hết việc, chưa kể đến phải thường xuyên lao động, dọn dẹp… ba cọc ba đồng không đủ trang trải cuộc sống cho bản thân chứ chưa nói đến con cái và gia đình.
Thích Trả lời
Bùi Thị Huyền
Mệt mỏi vì nhận lương thư viện đã quá ít ỏi rồi nhưng kiêm nhiệm 3-4 công việc vừa văn thư vừa thiết bị đi làm cả ngày không hết việc tối về vẫn phải làm báo cáo. Nản thật sự bằng đại học vẫn hưởng lương trung cấp nói chung là chỉ muốn bỏ nghề thật sự không biết cố bám trụ được đến bao giờ
Thích Trả lời
Phạm Thị Phương
Nhận viên trường học vốn nhiều thiệt thòi. Kiêm nhiệm nhiều việc không tên tại trường nhưng không phụ cấp chỉ nguyên lương không đủ nuôi bản thân chứ đừng nói đến chăm lo cho gia đình. Đề nghị các cấp các ngành quan tâm có các chế độ hợp lý đảm bảo cuoocj sống để chúng tôi yên tâm công tác
Thích Trả lời
Dương Thị Bích
Cần lắm sự quan tâm của các cấp ban ngành, lãnh đạo về chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhân viên trường học nói chung và nhân viên thư viện nói riêng. Đây là bộ phận viên chức có vai trò cũng như trách nhiệm không hề nhỏ trong sự phát triển toàn diện của ngành GD, tuy nhiên về chế độ phụ cấp thì lại không bao giờ thấy đề cập và quan tâm đến đội ngũ nhân viên này. Mọi công việc của họ gắn liền với sự phát triển GD thế mà những con người nhân viên Thư viện này họ lại bị coi như con rơi, con vãi, con ghẻ của ngành GD. Cứ tình trạng như này thì họ sao có thể bám trụ được với nghề, bởi lẽ đồng lương không thể đáp ứng nổi cuộc sống của họ. 15 năm công tác: trách nhiệm công việc không hề nhẹ nhưng đồng lương cơ bản tăng lên 2340. 000đ vậy mà nhân viên thư viện cũng mới nhận được có 7triệu, trong khi đó giá cả đua nhau leo thang, càng nghĩ càng thấy tủi thân. Một lần nữa cũng chỉ mong các cấp ban ngành sớm quan tâm và nhìn nhận đến sự cống hiến của đội ngũ nhân viên trường học mà củng cố thêm cho họ những chế độ phụ cấp, ưu đãi sao cho phù hợp.
Thích Trả lời
Phạm Thị Nhung
Nhân viên thư viện chúng em lương thấp nhất trong bảng lương của trường. Nhìn mà buồn. Phụ cấp không, thâm niên không. Trong khi theo thông tư 16/2022/BGDĐT quy định có tiết đọc thư viện, tiết học thư viện, nvtv cũng soạn giáo án, trợ giúp học sinh, trợ giảng cho GV, hàng ngày tiếp xúc hướng dẫn các em hs, phát triển văn hoá đọc vậy mà không có phụ cấp, đãi ngộ tương ứng. Mong các bộ ban ngành quan tâm đưa nvtv về chức danh nhà giáo, chế độ tương xứng để yên tâm làm việc cuộc sống của chúng em bớt khó khăn
Thích Trả lời
Phạm Thị Nhung
Cần lắm sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Cũng đi làm trong cùng một trường nhưng người được hưởng mọi ưu đãi người thì tủi thân không một lời...
Thích Trả lời
Xa
Rất mong các câp các ngành quan tâm đến chúng tôi sao cho chúng tôi cũng được sống bằng đồng lương như những đối tượng khác. Ngoài ra theo thông tư 16/2022 chúng tôi cũng thực hiện nhiệm vụ không khác gì giáo viên đứng lớp cần có chế độ đối với chúng tôi.
Thích Trả lời
Pé Tuyền
Huhu em làm văn thư 5 năm hệ số 2,26 khi áp dụng lương cơ sở mới em được 4tr7. Em có 1 con nhỏ phải bán hàng online, làm đồ thủ công,... Mà không đủ sống. Mong bộ cho thêm 25% phụ cấp ạ. Mua sữa cho con em huhu
Thích Trả lời
Nguyễn Kha Ly
Những bài báo này các cấp trên có nhìn thấy không nhỉ,hay mình viết rồi mình đọc thôi ạ. Chứ đợi mãi gần về hưu rồi cũng không một ai quan tâm tới.
Thích Trả lời
Trần Thanh Vân
Nhân viên thư viện trường học đâu đòi hỏi nhiều,chỉ cần 25% phụ cấp mà đợi như hái sao trên trời. Đi đâu cũng bị xem thường,dù trình độ có thua gì giáo viên đâu. Lâu dần cũng chẳng còn muốn tiếp xúc với ai.
Thích Trả lời
Đặng Thị Thanh Hải
Thiết nghĩ tại sao Giáo viên mấy chục người trong 1 trường mà mọi ưu đãi điều đáp ứng được? Còn nhân viên Thư viện chỉ có 1 người trong 1 trường thì lại không được hưởng một chế độ đãi ngộ nào cả ngoài lương. Chúng tôi cũng có trình độ đại học thì lại hưởng lương trung cấp. Bên cạnh đó chúng tôi không chỉ làm riêng công tác Thư viện mà còn kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác. Nhưng lương vẫn tính 1 đầu lương nên rất thiệt thòi. Nên mong các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, xây dựng các chính sách đãi ngộ cho đối tượng nhân viên Thư viện trường học một cách hợp lý và thoả đáng để chúng tôi yên tâm công tác.
Thích Trả lời
Lan Anh
Còn kiêm nhiệm ti tỉ thứ việc không có trợ cấp mà còn bị coi thường nữa, ai thấu được vẫn đề này
Thích Trả lời
maingoan
Mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhân viên trường học.
Thích Trả lời