Nhân vật Vũ Như Tô: Tấn bi kịch của người nghệ sĩ tài ba

GD&TĐ - Vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được một hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ và bi tráng, có chiều sâu nội tâm và sức ám ảnh lớn lao trong lòng độc giả...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đặc biệt là cội nguồn văn hóa dân tộc, những trăn trở suy tư về những vấn đề có tính chất muôn thuở của đời sống và nghệ thuật của nhà văn. Tất cả những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ đó được kết tinh qua hình tượng nhân vật trung tâm Vũ Như Tô.

Không phải kịch lịch sử

Không chiếm lĩnh, khái quát hiện thực với một dung lượng đồ sộ, bề bộn và ngổn ngang như các tác phẩm tự sự. Cũng không mang xu hướng bộc lộ những suy ngẫm, rung động thẩm mỹ như các tác phẩm trữ tình.

Kịch hướng đến việc phát hiện những xung đột, những mâu thuẫn có tính chất muôn thuổ của nhân loại: Giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, đam mê và tội lỗi, hiện thực và khát vọng... Vũ Như Tô (1941) là một bi kịch (là một thể của kịch) chứ không phải là kịch lịch sử.

Bởi vậy, như đặc trưng của thể loại “Bi kịch là thể loại nghiêm ngặt đến khắc nghiệt, nó miêu tả thực tại theo lối nhấn mạnh, cô đặc các mâu thuẫn bên trong, phơi bày những xung đột sâu sắc của thực tại dưới dạng bão hòa và căng thẳng đến cực hạn, mang ý nghĩa tượng trưng nghệ thuật” (Lại Nguyên Ân).

Viết về một sự kiện có thật xảy ra ở kinh thành Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517, dưới triều Lê Tương Dực, Nguyễn Huy Tưởng xây dựng vở kịch dựa trên hai trục mâu thuẫn chính: Mâu thuẫn giữa cuộc sống xa hoa trụy lạc của hôn quân bạo chúa với cuộc sống khốn khổ điêu linh lầm than của quần chúng nhân dân. Mâu thuẫn giữa thứ nghệ thuật cao siêu, thuần túy của người nghệ sĩ với lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân.

Nguyễn Huy Tưởng đã khái quát lên được hai xung đột không thể điều hòa, và mọi cách khắc phục đều dẫn đến sự diệt vong của những giá trị quan trọng.

Kết thúc vở kịch: Vũ Như Tô bị giết, cái Tài bị hủy diệt. Cửu Trùng Đài bị đốt thành tro, Cái Đẹp bị tiêu tan. Đan Thiềm cũng cùng số phận như Vũ Như Tô, tri kỉ hóa thành cát bụi, mộng lớn tan tành. Nhân dân hả hê khi đốt được Đài Cửu Trùng và giết được Vũ Như Tô...

Giữa một không gian bạo lực đến kinh hoàng, các nhân vật đều hừng hực như đứng trên một cái chảo dầu sôi khổng lồ. Vở kịch đã tạo nên xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Nhưng có lẽ câu nói ám ảnh nhất ở cuối vở kịch vẫn là câu nói trước khi chết của Vũ Như Tô “Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”. Điều gì làm nên tính chất cực đoan và quyết liệt cả tin ở nhân vật trung tâm này của vở kịch?

Người nghệ sĩ tài ba

Vũ Như Tô trước hết là một người tài. Một vị kiến trúc sư thiên tài với “hoa tay tuyệt thế”, có thể “điều khiển gạch đá như viên tướng cầm quân”, có thể “vẩy bút là chim hoa đã hiện lên trên mảnh lụa thần tình như cảnh hóa công”.

Nguyễn Huy Tưởng miêu tả đó là “cái tài ngàn năm chưa dễ có một”. Qua những lời trần tình của Đan Thiềm, sự đau đớn của nàng khi cái Tài ấy có nguy cơ bị tuyệt diệt “Đừng giết ông Cả, ông ấy là người Tài”, “Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta còn lấy ai mà tô điểm?”.

Cái nhìn của nhà viết kịch có điểm gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Tuân khi miêu tả cái Tài viết chữ đẹp của nhân vật Huấn Cao với nghệ thuật thư pháp – bộ môn nghệ thuật có khả năng thức dậy những rung động thẩm mỹ trước vẻ đẹp tạo hình của những con chữ.

Vũ Như Tô còn là người nghệ sĩ có khát vọng và hoài bão lớn lao, theo đuổi thứ nghệ thuật chân chính. Ngay từ đầu, người nghệ sĩ đó đã từ chối xây Đài Cửu Trùng cho hôn quân bạo chúa ăn chơi hưởng lạc. Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng Lê Tương Dực và kiên quyết không xây, khi được hưởng vàng bạc, lụa là ông cũng chia cho các thợ chứ không hám lợi về mình. Người nghệ sĩ ấy chỉ ôm ấp một lí tưởng nghệ thuật cao cả đó là được cống hiến sáng tạo.

Nhân cách đó khiến ta cảm phục và ngưỡng mộ. Nhưng người nghệ sĩ ấy lại đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã trong chính bản thân mình. Nếu không xây đài, sẽ bị tru di cửu tộc, không xây đài, chỉ mãi là một người thợ vô danh tiểu tốt, tài kia rồi cũng mục nát như cây cỏ.

Về sau, dưới sự thuyết phục của con người đồng bệnh Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã đồng ý xây đài, mượn tay vua để thực hiện mệnh lớn, xây đài để nghìn thu còn hãnh diện và hậu thế sẽ xét công.

Bìa tác phẩm văn học chọn lọc Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh NXB Kim Đồng.
Bìa tác phẩm văn học chọn lọc Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh NXB Kim Đồng.

Bi kịch không lối thoát

Thời đại của Vũ Như Tô sống là một thời đại rối ren. Khát vọng mà người nghệ sĩ ấp ủ thật cao đẹp nhưng làm sao có thể hiện thực hóa được khi nhân dân đang đói khổ, lầm than.

Hệ quả cuối cùng là người nghệ sĩ bị đẩy vào một bi kịch không lối thoát khi mâu thuẫn giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy và lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân.

Nguyên nhân chính xuất phát từ bản chất cái Đẹp mà Vũ Như Tô theo đuổi. Đài Cửu Trùng xây lên đó là “mộng lớn” của Vũ Như Tô.

Nhưng mộng lớn đó được sử dụng với mục đích phục vụ cho cái Ác. Đó là việc ăn chơi hưởng lạc của hôn quân bạo chúa Lê Tương Dực. Vũ Như Tô đã mượn tay vua để thực hiện mệnh lớn của đời mình. Nhưng trong một cuộc sống nhân dân còn khốn khổ, điêu linh, việc theo đuổi đến cùng một cái đẹp tuyệt mỹ là một tội ác. Điều đó đã khiến người nghệ sĩ đi đến chỗ bỏ rơi cái Thiện và chà đạp lên cái Thiện. Vũ Như Tô trở thành kẻ thù, thành tội đồ của nhân dân, và bị nhân dân nguyền rủa.

Hết mình với ngọn lửa đam mê của đời mình, Vũ Như Tô đã đắm chìm vào ảo mộng mà xa rời thực tế, mù lòa trước một hiện thực nhỡn tiền: Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu, quần chúng nhân dân khốn khổ lầm than bấy nhiêu.

“Phần phật bốc cao cùng một lúc là ngọn lửa sinh tồn và ngọn lửa hủy diệt. Cả hai quấn quýt lấy nhau bao nhiêu để sớm loại trừ nhau bấy nhiêu” (Băng Sơn). Nhưng, tiếc thay ngọn lửa mà Vũ Như Tô đốt lên lại là ngọn lửa hủy diệt.

Bản thân Vũ Như Tô lại luôn xem đó là ngọn lửa sinh tồn. Sự sai lầm khi theo đuổi một cái Đẹp cao cả và đẫm máu đã khiến Vũ Như Tô lầm lạc trong suy nghĩ và hành động. Nhân vật quyết liệt, cả tin trong suy nghĩ và mù quáng, cố chấp trong hành động.

Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, nguy ngập và cấp bách “loạn đến nơi rồi”, Vũ Như Tô vẫn một mực cố chấp “Vô lí, vô lí! Tôi làm gì nên tội”. Khi những thanh âm của cuộc nổi loạn càng rõ rệt, Vũ Như Tô vẫn vẹn nguyên một niềm tin ngây thơ và lầm lạc “Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể rời xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả đây”.

Người nghệ sĩ hoàn toàn đắm chìm trong ảo mộng lãng mạn của đời mình mà mù lòa trước thực tế. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến Cửu Trùng Đài bị thiêu trụi thành tro, nhân vật mới vỡ mộng. Ánh lửa đã thiêu trụi giấc mơ của Vũ Như Tô. Vũ Như Tô bị rơi xuống từ một Cửu Trùng Đài cao vời vợi. Cho đến những giây phút cuối cùng, người nghệ sĩ vẫn mù quáng và cố chấp.

Vũ Như Tô vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ, vừa đáng thương vừa đáng trách. Đó là bản chất của nhân vật bi kịch. Bởi lẽ “Nếu con người hoàn toàn vô tội thì bi kịch không còn chỗ lí thú. Nếu con người tự có lỗi hoàn toàn thì nó không khiến con người ta quan tâm” (Phạm Vĩnh Cư).

Thành công của Nguyễn Huy Tưởng là đã xây dựng được một nhân vật trung tâm vừa có tội lại vừa không có tội, vừa khiến người đọc cảm thông lại khiến người đọc trách móc. Vì vậy, cái chết của Vũ Như Tô là sự chuộc tội, dù bản thân nhân vật không ý thức được điều đó.

Xung đột giữa cái đẹp và cái thiện

Qua bi kịch và số phận của nhân vật Vũ Như Tô, nhà viết kịch đã gửi gắm những tư tưởng, thông điệp nghệ thuật sâu sắc. Xuất hiện cuối hồi V của vở kịch là hình ảnh Cửu Trùng Đài bị đốt thành tro, cái Đẹp bị tiêu diệt.

Quần chúng nhân dân vui mừng vì giết được Vũ Như Tô, đốt phá được Cửu Trùng Đài, cái Thiện thì hả hê. Cho đến cuối cùng, cái Thiện vẫn không chấp nhận cái Đẹp. Cái Đẹp vẫn không thể hiểu cái Thiện.

Hành động cuối cùng của Vũ Như Tô vẫn không hề hướng đến sự hòa giài mà hướng đến sự thách thức và chấp nhận sự hủy diệt “Thôi thế là hết/Dẫn ta ra pháp trường”.

Qua thực tế này, Nguyễn Huy Tưởng muốn gửi gắm triết lí: Cái Thiện và cái Đẹp cần song hành và nâng đỡ nhau. “Cái Đẹp sẽ tự sát khi nó nhảy múa trên thân hình quằn quại của cái Thiện”(Phạm Vĩnh Cư). Và nhân danh cái Thiện để giết chết cái Đẹp cũng chính là giết luôn cái Đẹp. Mọi giá trị trong đời cần nâng đỡ nhau để cùng tồn tại thay vì đối nghịch và chạm trán.

Nguyễn Huy Tưởng còn gửi gắm triết lý nghệ thuật phải bắt rễ sâu vào đời sống, xa rời đời sống, nhất định nghệ thuật sẽ khô héo. Đó là chân lí muôn đời. Nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch đã đi đến tận cùng Đam Mê. Nhưng tận cùng Đam mê chính là Tội lỗi. Người nghệ sĩ đích thực cần có những khát vọng hoài bão lớn lao.

Thế nhưng, cần giải quyết được đúng đắn mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, gắn yêu cầu của nghệ thuật với những đòi hỏi của nhân dân. Mâu thuẫn giữa lợi ích của bản thân nghệ thuật và lợi ích của đời sống chỉ có thể được giải quyết khi nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của nhân dân được nâng cao. Khi đó, điều kiện lịch sử phát triển, quần chúng nhân dân cũng được giác ngộ trở thành thị hiếu và độc giả để hiểu được khát khao của người nghệ sĩ. Lúc đó, người nghệ sĩ mới có đất để tỏa sáng.

Những tư tưởng triết lý

Một năm sau khi viết xong tác phẩm kịch này, Nguyễn Huy Tưởng đặt ra một suy tư lơ lửng, một câu hỏi dùng dằng ở trạng thái lưỡng phân: “Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải? Ta chẳng biết! Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Câu hỏi thể hiện thái độ, lập trường quan điểm tư tưởng của tác giả về các nhân vật của mình. Một mặt, ông trân trọng cảm phục cái Tài, mặt khác cảm thông với nỗi niềm bi kịch của Vũ Như Tô. Nhưng, nhà văn còn dè dặt tỉnh táo nhận ra: Chân lý thuộc về Vũ Như Tô một nửa, một nửa thuộc về quần chúng nhân dân.

Vũ Như Tô là người tài chứ chưa phải là bậc hiền tài. Cái Đẹp mà Vũ Như Tô theo đuổi là tuyệt mỹ chứ chưa phải là tuyệt thiện. Cái Đẹp sẽ tự sát khi nó nhảy múa trên thân hình quằn quại của cái Thiện. Nhưng nhân danh cái Thiện để giết cái Đẹp thì cũng chính là giết luôn cái Thiện.

Câu hỏi Vũ Như Tô đặt ra khiến người đọc phải suy nghĩ về việc: Làm sao để các giá trị hiện hữu trong cuộc đời nhưng không tách rời, lấn át, không triệt tiêu, đối kháng với nhau mà tồn tại viên mãn bổ sung cho nhau.

Nguyễn Huy Tưởng đã đặt câu hỏi nhức nhối về Quyền và Khả năng chung sống giữa các giá trị trong đời. Lời đề tựa còn chứa đựng suy ngẫm của tác giả về sự tiếc nuối cho một tài hoa và một công trình vĩ đại. Nhà văn tự nhận mình là người “đồng bệnh” với Đan Thiềm.

Bệnh Đan Thiềm chính là bệnh “khao khát và quý trọng một cái Đẹp siêu đẳng”. Lời tự nhận của nhà viết kịch cho ta một bài học sâu sắc về cách đối đãi với nhân tài và các giá trị văn hóa. Cái Tài cần được nâng niu và cái Đẹp cần được gìn giữ. Làm sao để cái Tài được cống hiến, có đất để tỏa sáng và cái Đẹp được ghi danh mãi mãi là điều khó khăn.

Vũ Như Tô là một nhân vật có tính cách phức tạp và đa diện trong vở kịch này. Để xây dựng được hình tượng một kiến trúc sư thiên tài, có nhân cách cao đẹp, có khát vọng lớn lao và có số phận bi kịch, Nguyễn Huy Tưởng đã sử dụng những thủ pháp đặc trưng cơ bản của thể loại kịch.

Từ cách đặt nhân vật trong một không gian bạo lực kinh hoàng, đầy nguy hiểm và chết chóc với những hành động dồn dập đẩy mâu thuẫn và tính kịch lên cao độ. Đặt nhân vật vào những mâu thuẫn xung đột căng thẳng khốc liệt liên quan đến sự sống còn của bản thân. Từ những mâu thuẫn ấy, tính cách nhân vật được bộc lộ khắc họa rõ nét.

Những hành động kịch được tổ chức thành nhiều lớp kịch ngắn tạo nên một nhịp điệu nhanh, gấp... với những tiếng nhiếc móc, chửi rủa, la ó, than khóc, máu, nước mắt... tất cả hừng hực như trên một cái chảo dầu sôi khổng lồ, nhằm làm nổi bật diễn biến tâm trạng, tính cách và tình thế bi kịch của nhân vật.

Với đặc trưng của ngôn ngữ kịch thể hiện cao độ các đặc tính sống động của ngôn ngữ đời thường, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được các lời thoại của nhân vật Vũ Như Tô mang tính hành động, mang tính tranh luận, biện bác, vừa tác động trực tiếp và thúc đẩy mâu thuẫn xung đột phát triển cao trào.

Ngôn ngữ vở kịch đạt đến trình độ điêu luyện, xây dựng nên được một hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ mà bi tráng, có chiều sâu nội tâm và ám ảnh người đọc.

Năm 1995, vở kịch được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng trên sân khấu. Mười hai năm sau (2007), vở diễn được đưa lên sân khấu truyền hình VTV1 và được đông đảo quần chúng biết đến hơn.

Cho đến nay, vượt qua quy luật của thời gian và sự đào thải khắt khe của lòng người, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn sống mãi trong tâm trí độc giả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ