Nhân tố bất ngờ để chống lại HIMARS của Ukraine

GD&TĐ - Hệ thống tên lửa Polonez là vũ khí mà Nga rất muốn nhận từ Belarus nhằm chống lại các tổ hợp HIMARS trong tay Lực lượng vũ trang Ukraine.

Nhân tố bất ngờ để chống lại HIMARS của Ukraine

Thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện thông tin về việc Quân đội Nga có thể sử dụng các tổ hợp tên lửa Polonaise của Lực lượng Vũ trang Belarus cho những trận tấn công vào trong lãnh thổ Ukraine, vũ khí trên được xem như đối thủ duy nhất "ngang hàng" với HIMARS mà Điện Kremlin có thể nghĩ tới.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng "cốt lõi" của Polonez chính là tên lửa đạn đạo A200 và M20 của Trung Quốc, nên Bắc Kinh sẽ khó cho phép Minsk chuyển giao những quả đạn nói trên cho Nga.

Yếu tố đầu tiên cần nhắc đến chính là Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc duy trì sự ổn định trên lãnh thổ Belarus, nơi về cơ bản tiếp tục là điểm trung chuyển của "Con đường tơ lụa vĩ đại".

Do vậy sẽ là không có lợi nếu Bắc Kinh để một thứ vũ khí công nghệ cao của mình xuất hiện trên chiến trường Ukraine, điều này rất dễ dẫn tới động thái trừng phạt của phương Tây.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 do Trung Quốc sản xuất trang bị cho tổ hợp Polonez của Belarus.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 do Trung Quốc sản xuất trang bị cho tổ hợp Polonez của Belarus.

Trung Quốc còn phải lo ngại vũ khí của mình rơi vào tay một "bên thứ ba", có nghĩa là "để bí mật quốc phòng lọt vào tay đối thủ”. Bắc Kinh cần đặc biệt lưu ý trường hợp Ethiopia, khi quốc gia châu Phi này mua được một số lượng nhất định tổ hợp tên lửa phóng loạt tương tự Polonez, nhưng dưới tên gọi AR-2.

Khi cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và Lực lượng Giải phóng Tigray nổ ra tại quốc gia châu Phi này vào năm 2020, tất cả các tổ hợp AR-2 của Ethiopia đều rơi vào tay Tigray. Quân nổi dậy ngay lập tức tận dụng chiến lợi phẩm, vào tháng 12 năm 2020, họ đã bắn tên lửa đạn đạo M20 cùng với tên lửa dẫn đường A200 vào căn cứ không quân Addis Ababa.

Quân đội Ethiopia về cơ bản đã mất "lá chắn tên lửa" nhận được từ Trung Quốc. Nhưng điều này dường như không gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Bắc Kinh, khi vào năm 2021, lực lượng chính phủ Ethiopia nhận thêm các UAV tấn công thuộc họ Wing Long của Trung Quốc với đầy đủ vũ khí dẫn đường.

Có lẽ trong câu chuyện này, Trung Quốc không làm lớn chuyện vì muốn giành chiến thắng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đối với Ethiopia, nằm ở khu vực Sừng châu Phi, có tầm quan trọng chiến lược đối với thương mại thế giới.

Nhưng tình hình tại Ukraine rõ ràng khác hẳn, nếu có bất kỳ quả đạn nào trang bị cho hệ thống Polonez bị bắt giữ, chắc chắn nó sẽ được các chuyên gia Mỹ và NATO nghiên cứu rất kỹ công nghệ ứng dụng thay vì sử dụng ngay.

Theo chính quyền Kyiv, mặc dù xác suất Trung Quốc đồng ý để Belarus "viện trợ" các tổ hợp Polonez cho Nga là rất thấp nhưng không thể bỏ qua mọi nguy cơ, bởi rất có thể giữa Bắc Kinh và Moskva sẽ tồn tại một thỏa thuận trao đổi bí mật.

Trong trường hợp điều này xảy ra, Quân đội Ukraine sẽ phải đối diện một thứ vũ khí thậm chí còn mạnh hơn HIMARS khi có khả năng tấn công chính xác mục tiêu cách xa 280 km với sức mạnh rất đáng gờm của đầu đạn cỡ lớn.

Chính vì vậy, Kyiv đã đưa ra cảnh báo với Belarus rằng họ sẽ coi Minsk là đối tượng thù địch, đồng thời nhấn mạnh vũ khí nói trên được xem là "mục tiêu số 1" của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ