Lý do phương Tây tự sập bẫy áp trần giá dầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc đưa ra trần giá dầu có thể mang lại hậu quả xấu với phương Tây, bởi Liên bang Nga đã nói rõ rằng họ sẽ không chấp nhận các điều kiện đặt ra.

Lý do phương Tây tự sập bẫy áp trần giá dầu

Lời cảnh báo đối với phương Tây được đưa ra bởi nhà văn - nhà báo nổi tiếng người Nga Dmitry Lekukh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Lekukh đã trình bày chi tiết cách tiếp cận cứng rắn của Moskva đối với việc giới hạn giá, đồng thời giải thích lý do tại sao phương Tây sẽ sớm gặp phải phản ứng ngược.

Chuyên gia Lekukh nhớ lại rằng Nga đã thực hiện biện pháp trả đũa đối với việc Mỹ và EU đưa ra mức trần giá dầu, đó là từ chối hợp tác với những khách hàng trên thị trường năng lượng quốc tế chấp nhận điều kiện mới của phương Tây.

Cách tiếp cận cứng rắn của Moskva đối với trần giá có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho Mỹ và EU.

Đáng chú ý là lập trường của Nga được các nước OPEC + ủng hộ, khi từ chối tăng sản lượng khai thác.

Theo ông Lekukh, phương Tây sẽ sớm phải đối mặt với những hậu quả khó chịu do quyết định "thiếu suy nghĩ" của mình. Giá trần sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường năng lượng, dẫn đến chi phí nguyên liệu thô tăng mạnh.

"Nga đã từ chối cung cấp dầu cho EU và Mỹ, Moskva sẽ không bị tổn thất nghiêm trọng trong khi phương Tây buộc phải giải quyết những khó khăn đối với an ninh năng lượng của chính họ", ông Lekukh đánh giá.

“Điều này có nghĩa là chúng tôi sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu cần thiết. Trong trường hợp này, các chỉ số ngân sách và nền kinh tế trong nước vẫn sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên khi nhu cầu về dầu tăng trong khi nguồn cung suy giảm, điều đó có nghĩa là giá cả tăng phi mã”, chuyên gia người Nga nói thêm.

Ông Lekukh còn hướng sự chú ý đến thực tế là Liên bang Nga đã phát triển một cơ chế phản ứng có thẩm quyền và hiệu quả đối với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây, do vậy khi Mỹ và EU thực hiện biện pháp liên quan đến việc thiết lập chi phí cận biên của nguyên liệu thô, sẽ tự rơi vào cái bẫy mà họ đã chuẩn bị cho Moskva.

Biện pháp áp dụng trần giá đối với dầu xuất khẩu của Nga đã có hiệu lực.

Biện pháp áp dụng trần giá đối với dầu xuất khẩu của Nga đã có hiệu lực.

Cùng ý kiến, nhà phân tích chính trị Vadim Petrov tin rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ mức trần giá dầu do phương Tây áp đặt và châu Âu sẽ là bên thua cuộc.

Theo ông Petrov, Moskva hiện được tự do bán "vàng đen" cho các quốc gia sẵn sàng thực hiện giao dịch theo giá thị trường. Giới hạn chi phí của nguồn năng lượng cũng có lợi cho Saudi Arabia, vì nó sẽ thiết lập mức giá thực tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã ký luật cấm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đối với những nước trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ việc áp đặt trần giá. Văn bản này sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2023.

Do vậy từ giờ trở đi, Nga sẽ làm việc với những quốc gia sẵn sàng trả theo giá do thị trường quyết định chứ không phải theo ý thích của Liên minh châu Âu, đó là Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

"Bây giờ điều chính yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể nhanh chóng đưa trữ lượng dầu khí của Nga đến gần biên giới Trung Quốc. Đối với châu Âu, họ đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới và đây là một vấn đề lớn", ông Petrov kết luận.

Mặc dù các chuyên gia Nga rất tự tin về việc Moskva đã có biện pháp đối phó và châu Âu sẽ chịu hiệu ứng ngược từ trần giá nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại.

Sản lượng dầu xuất khẩu của Nga đang sụt giảm ở mức chưa từng có, ngoài ra những nước được xem như "thị trường thay thế" gồm Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tận dụng thời cơ để ép Moskva phải bán dầu với mức chiết khấu 30%, tức là giá chỉ còn khoảng 50 USD/thùng, thấp hơn mức trần 60 USD/thùng mà phương Tây đưa ra.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ