Thiếu kiến thức về an toàn nghề nghiệp
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, các làng nghề truyền thống hiện thu hút khoảng 20 triệu lao động, bằng 24% tổng số lao động nông thôn, nhưng chỉ có khoảng hơn 12% lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ sơ cấp trở lên).
Bên cạnh đó, người lao động trong các làng nghề đặc biệt là lao động trẻ còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức cơ bản về những quy định luật pháp về ATVSLĐ cùng với môi trường lao động còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao.
Về thực trạng kiến thức, thái độ và hành vi về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của lao động trẻ trong ngành nông nghiệp và các làng nghề, theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự cố mất an toàn trong lao động mà người lao động trẻ phải chịu như: Điều kiện việc làm, thiếu kỹ năng và kiến thức cũng như chưa có tiếng nói về vấn đề an toàn.
Lao động trẻ ở độ tuổi từ 15 - 24 có tỉ lệ thương tích lao động và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với người lao động lớn tuổi. Đây cũng là nhóm đối tượng có xu hướng tuân thủ các quy định an toàn thấp hơn, như không thực hiện các bước đảm bảo an toàn và không quan tâm tới các quy trình an toàn trong lao động.
Theo đánh giá của ILO, lao động trẻ, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thiếu nhận thức và các khái niệm về an toàn lao động cơ bản. Nhiều lao động trẻ và người sử dụng lao động trẻ không hiểu biết nhiều về pháp luật ATVSLĐ và các thể chế có liên quan. Kiến thức và thái độ là vấn đề cần được cải thiện để nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong nông nghiệp và các làng nghề nhằm đem lại lợi ích cho lao động trẻ ở Việt Nam.
Mở rộng các lớp tập huấn
Báo cáo điều tra, khảo sát thực trạng ATVSLĐ tại các làng nghề, ông Vũ Như Văn, Phó Chủ tịch Hội ATVSLĐ Việt Nam cho biết: Qua khảo sát tại các làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ cho thấy các làng nghề đã có cải thiện điều kiện làm việc (từ thủ công sang sử dụng máy, thiết bị); lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá cao.
Tuy nhiên, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Từ đó, các chuyên gia đã rà soát, thu thập thông tin về các nguy cơ an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và xây dựng bộ tài liệu tập huấn ATVSLĐ trong làng nghề (gồm 6 tờ rơi và 1 tờ gấp), tập trung vào các mối nguy đặc thù với lao động trẻ (từ 15 - 24 tuổi).
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Trong số 36 triệu lao động khu vực phi chính thức, có khoảng 10% lao động trẻ từ 18 - 24 tuổi làm việc tại khu vực làng nghề cần tập huấn về an toàn, môi trường lao động.
Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là trọng tâm trong thời gian tới do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.
“Trước mắt, việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động; tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất” - ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.