Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển làng nghề Hà Nội

GD&TĐ - Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức buổi gặp mặt đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố. 

Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển làng nghề Hà Nội

Tại đây, lãnh đạo thành phố và các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ đã cùng trao đổi các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, trong đó có các giải pháp về kiến tạo không gian trưng bày sản phẩm truyền thống và hỗ trợ đào tạo cấy nghề, truyền nghề...

Đẩy mạnh đào tạo nghề

Theo Sở Công Thương, Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, chiếm gần 26,5% tổng số làng nghề cả nước (5.096 làng nghề), trong đó, có 292 làng nghề đã được công nhận, chiếm 14,6% số làng nghề cả nước đã được công nhận (2.000 làng nghề). Nhiều nghề được khôi phục, phát triển, như: Nghề thêu, dệt, gốm sứ, mây tre đan... hoặc mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời, cũng có nhiều ngành nghề mới được hình thành, phát triển, góp phần tạo công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Các làng nghề hiện đang thu hút 739.630 người lao động và hàng nghìn lao động từ nơi khác đến làm việc. Cơ cấu lao động trong công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại các làng nghề hiện đã chiếm từ 75 – 85% tổng số lao động, lao động thuần nông chỉ còn từ 15 - 25%. Các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động dôi dư trong quá trình đô thị hóa, từ đó phân công lại lực lượng lao động ở nông thôn. Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 14.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm...

Trao đổi với lãnh đạo thành phố, các nghệ nhân đã phản ánh thực trạng và những khó khăn của làng nghề hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể như: Kiến nghị cho xây dựng trung tâm trưng bày tác phẩm tiêu biểu ngành thủ công truyền thống; với những ngành nghề có nguy cơ mai một cần biện pháp đào tạo cấy nghề, trao truyền nghề; đẩy mạnh đào tạo để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong các làng nghề. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất nghề tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất…

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ghi nhận và chia sẻ những kiến nghị của các nghệ nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thành phố sẵn sàng kết nối với các ngân hàng để các làng nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp hơn. Về mặt bằng sản xuất của các làng nghề hiện khó khăn, thành phố đang cho rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các làng nghề để có kế hoạch phát triển, mở rộng các điểm công nghiệp làng nghề và đảm bảo việc sử dụng mặt bằng đúng mục đích.

Thành phố rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tích cực triển khai kết nối các làng nghề với các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện mẫu mã sản phẩm làng nghề còn chưa phong phú, chưa tinh xảo, nhất là bao gói, hay cũng chưa quan tâm đến đăng ký bảo hộ sản phẩm, khi xuất ra nước ngoài các sản phẩm nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam còn chưa được thể hiện rõ ràng, tới đây các làng nghề cần quan tâm hơn đến khâu thiết kế, đặc biệt phải nghiên cứu để phát triển những mẫu mã, sản phẩm mà thị trường cần. Đồng thời, chú trọng đảm bảo môi trường và chủ động nguồn nguyên liệu bền vững.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các làng nghề phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Một số nhóm nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề đang dần bị mai một, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề; ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn chậm… Vì vậy, rất cần đến những đóng góp của các nghệ nhân để khơi dậy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh thông nghề nghiệp nhằm tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, tạo thương hiệu cho các sản phẩm, các làng nghề, thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.

Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết: Hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, trước mắt, thành phố sẽ chỉ đạo, nghiên cứu để dành phần không gian trong Bảo tàng Hà Nội làm nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; yêu cầu các khách sạn của thành phố có không gian trưng bày, đồng thời thiết kế các tour tham quan các làng nghề truyền thống. Đồng thời, phát triển cơ sở vật chất tại các làng nghề để phục vụ du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ