Một căn bệnh thực sự
Thưa PGS.TS Phương Hoa, dấu hiệu như thế nào để biết là mình mắc bệnh trầm cảm? Trường hợp mới bắt đầu bị thì như thế nào, bị nặng thì như thế nào?
Trầm cảm là căn bệnh về rối loạn cảm xúc nên dễ bị nhầm với việc chúng ta bị căng thẳng, áp lực. Chúng ta phân biệt bệnh trầm cảm ở chỗ nó có cản trở cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức chúng ta cảm thấy không thể chấp nhận được hay không.
Chúng ta chịu căng thẳng từ các áp lực tác động từ bên ngoài. Ví dụ trước kỳ thi, chúng ta cảm thấy căng thẳng, điều này là chắc chắn rồi. Chúng ta chịu áp lực khi công việc đến quá nhiều, và ai cũng có áp lực này, trong trường hợp đó. Nhưng căng thẳng phải hết khi áp lực đó hết. Nghĩa là khi đi qua áp lực mà ta vẫn căng thẳng, công việc giải quyết xong rồi mà ta vẫn thấy áp lực thì khi đấy là những dấu hiệu đầu tiên mà chúng ta cần quan tâm. Tức là khi đó hệ thần kinh nó đang báo lỗi.
Nếu không có tác động mà vẫn bị căng thẳng, khó khăn, ức chế thì khi đó ta cần thăm khám. Hoặc nếu có tác động rất nhiều mà chúng ta không thấy căng thẳng, áp lực mà lại thấy bình an, vui sướng thì đấy cũng lại là một dấu hiệu chúng ta đang được cảnh báo không chính xác.
Còn trầm cảm lâu thì sẽ có rất nhiều dấu hiệu mà thông thường nhất, đầu tiên nhất là giấc ngủ của chúng ta bị rối loạn, không ngủ được, ngủ không đủ, ngủ không ngon, ác mộng. Tiếp đó là khó khăn về ăn uống, ăn không ngon, không muốn ăn, chán ăn hoặc ăn rất nhiều, ăn bất kể cái gì. Hoặc một số bạn sợ giao tiếp xã hội, trốn ở trong phòng, một số bạn lại muốn giao tiếp xã hội, đi ra ngoài rất nhiều, phải gặp nhiều người trong ngày thì mới an tâm còn không thì rất lo lắng vì mình giao tiếp ít quá. Thể hiện của trầm cảm rất khác nhau nhưng chung quy lại thì các bạn trầm cảm sẽ gặp khó khăn trong học tập lao động, công việc, sẽ thấy bất an mọi lúc, mọi nơi.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, thưa PGS.TS Nguyễn Phương Hoa?
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thì nó có rất nhiều, đầu tiên có thể là do lỗi hệ thần kinh ngay từ trong não, trục trặc trong những chất dẫn truyền thần kinh, tín hiệu sẽ không được dẫn đến đúng lúc.
Thứ 2 là do từ những căng thẳng kéo dài, thứ 3 là sau sang chấn, tổn thất lớn, như mất mát người thân, tai nạn hay những tình huống, sự kiện nào đó rất lớn. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy trầm cảm có thể do tiếp xúc lâu ngày với một số hóa chất như thuốc trừ sâu, một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với một số nồng độ hóa chất sẽ dễ gây trầm cảm.
Rồi trầm cảm có di truyền hay không thì người ta vẫn đang nghiên cứu, rồi trầm cảm có thể do thói quen nhiễm. Ví dụ trong gia đình có người bị trầm cảm thì những thói quen trong sinh hoạt cũng làm cho người thân trong gia đình có thể bị trầm cảm.
Chờ đợi cơn trầm cảm qua đi
Làm thế nào để giúp đỡ người bị trầm cảm một cách hiệu quả nhất?
Có rất nhiều điều để làm. Đối với người trầm cảm, trong những ngày xấu, họ mang cảm giác mọi thứ rất nặng nề, nên để giúp một người trầm cảm thì đầu tiên ta phải hiểu rằng trầm cảm đến theo cơn, và chúng ta chỉ có một cách là cố gắng bình tĩnh, chờ cho đến khi nó đi qua.
Sau khi cơn trầm cảm qua rồi, thì chúng ta mới làm được nhiều việc, chúng ta giúp đỡ, tạo cơ hội tâm sự, chia sẻ, nói chuyện, tìm cách hỗ trợ bằng những bài tập, liệu pháp khác. Đó cũng là cách nhiều người đã sử dụng và thành công.
Dĩ nhiên là không có người trầm cảm nào giống người nào, nhưng tiên quyết chúng ta phải bình tĩnh và nếu luyện các bài tập, ta có thể thấy trước khi cơn trầm cảm đến, ngăn ngừa nó tới hoặc làm nó nhẹ đi.
Trong tình huống mình phát hiện ra khả năng người thân của mình có bệnh và người ấy từ chối đi khám bệnh thì sẽ như thế nào?
Đây cũng là 1 câu hỏi khá thường xuyên. Khi một người bị tâm bệnh nói rằng người ta bị tâm bệnh nghĩa là người ta cũng khỏi được 30 - 40% rồi. Thông thường những người bệnh đầu tiên là từ chối việc đi khám bệnh. Ở các nước thì họ có luật và có bác sĩ yêu cầu đi khám bệnh, bắt buộc phải như thế. Để đảm bảo mọi người được chăm sóc đúng và kịp thời. Nhưng ở Việt Nam thì không như thế.
Việc để một người lớn tuổi đi khám, khám rồi lại dùng thuốc thì rất khó. Thông thường, bác sĩ ở Việt Nam làm 1 việc là cho nhập viện thôi. Những ca có ảnh hưởng tới tính mạng, có nguy cơ tự tử hoặc rất nặng thì sẽ bắt buộc phải nhập viện.
Còn trong trường hợp mà người đó không chịu đi thăm khám vì người ta có quyền và đã lớn tuổi rồi thì chỉ có 1 cách là cách ly. Chúng ta phải rời khỏi đó để cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi người đó. Phải đảm bảo an toàn cho bản thân và con cái nên cần phải tách ra. Trong trường hợp còn thuyết phục được hoặc bằng cách nào đó bắt buộc được thì hãy thăm khám.
Thấu hiểu và chia sẻ
Tầm quan trọng của sự chấp nhận và thấu hiểu của người thân trong cuộc chiến chống trầm cảm?
Tôi nghĩ rằng trầm cảm nếu một mình chịu đựng thì cơ hội khỏi bệnh ít lắm, rất khó. Bạn nào bị trầm cảm mà cứ mãi một mình thì sẽ rất là nguy hiểm, do đó người thân vô cùng quan trọng. Chúng ta cũng cần chia sẻ với người thân của gia đình có người trầm cảm. Họ cũng rất khó khăn. Bởi vì chắc chắn đối diện với căn bệnh này, người trầm cảm thì đâu có muốn thế đâu. Người bị trầm cảm người ta luôn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng.
Có nhiều bạn chia sẻ, bạn sống trong một gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, điều kiện đủ đầy nhưng không hiểu tại sao vẫn chán nản và không muốn sống thì nếu chúng ta là cha mẹ trong hoàn cảnh đó thì sẽ trả lời con như thế nào? Chúng ta đã làm mọi thứ nhưng kết quả là bạn ấy vẫn chán nản, không muốn sống và chúng ta không biết làm thế nào.
Nếu chúng ta là bố mẹ mà 4 giờ sáng con điện về báo là hiện giờ con đã leo lên sân thượng rồi, và con đang chuẩn bị nhảy xuống thì sẽ như thế nào? Vì vậy chúng ta hết sức chia sẻ với bố mẹ có con trầm cảm. Bởi vì câu chuyện nó không hẳn là vì phụ huynh thường hay áp lực lên con, muốn con như thế này, thế kia.
Câu chuyện đôi khi không phải như vậy. Chúng ta thông cảm đến người trầm cảm là vô cùng quan trọng, nhưng điều đó thôi là chưa đủ, mà thông cảm, chia sẻ với gia đình, người nhà của các bệnh nhân trầm cảm cũng rất quan trọng.
Nếu chúng ta càng chung tay, càng thấu hiểu trong cuộc chiến này thì cơ hội chiến thắng cơn trầm cảm sẽ rất lớn.
Xin trân trọng cảm ơn PGS!