Nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm này là do trẻ cảm thấy hụt hẫng, mất sự kết nối tình cảm đối với gia đình. Hoặc chúng cảm thấy mình không được ghi nhận, hoặc bị áp lực quá nặng nề trong học tập… Trẻ đã cố gắng mãi mà không đạt được điều đó, thì sẽ khiến trẻ lo lắng một cách thái quá và không còn kiểm soát được những cảm xúc của bản thân.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình, ngày nay có ba cách để giúp trẻ vượt qua chứng trầm cảm: Sử dụng thuốc, sử dụng trị liệu tâm lý và sốc điện. Về mặt thuốc và sốc điện chúng ta có thể tham khảo các bác sĩ ở bệnh viện để có được cơ sở khoa học một cách tốt nhất. Nhưng trước hết chúng ta nên sử dụng biện pháp tâm lý đối với trẻ. Biện pháp tâm lý là trị liệu về mặt nhận thức, hành vi và mặt liên nhân cách. Chúng ta cần cho con nhận biết lại bản thân mình, xem con có những khả năng nào hay những phẩm chất gì đáng quý.
Nên cho trẻ nhận biết lại khả năng của bản thân mình từ những điều rất nhỏ, cho đến những việc phức tạp hơn. Dần dần như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình cũng có ý nghĩa trong cuộc sống này. Bố mẹ cũng cần đưa trẻ đến những môi trường mới để con tách khỏi những yếu tố khó khăn mà con đang gặp phải. Nếu con mắc chứng trầm cảm vì sự bất ổn trong tình yêu thương của gia đình, người lớn hãy mang lại sự kết nối đó, tạo sự an toàn lại đối với con trẻ thì con sẽ dần dần thay đổi chứng trầm cảm này.