Sau khi “công chúa tóc mây” Hồng Minh lên ngôi Quán quân The Voice Kids 2015, cộng đồng mạng đã tranh cãi dữ dội, không ít người còn ném về phía em những lời cay độc.
Phần đông khán giả đều tỏ ra thất vọng và cho rằng cậu bé nhà nghèo Công Quốc mới xứng đáng là quán quân, đồng thời đặt nghi vấn về lượng bình chọn cao ngất ngưởng của Hồng Minh, tung tin đồn học trò Lưu Hương Giang - Hồ Hoài Anh mua giải hay Hồng Minh chiến thắng là nhờ sự ủng hộ của fan Mỹ Tâm chứ bé chưa thực có tài.
Trong số hàng ngàn bình luận trên khắp các diễn đàn, trang mạng, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng trẻ con mà toàn người lớn ngồi “đấu đá” nhau, làm anh hùng bàn phím và làm tổn thương đến một đứa trẻ. Quán quân cũng chỉ là một danh hiệu mà có lẽ ở cái tuổi lên 9 - 10, Hồng Minh cũng chưa thực sự hiểu hết giá trị của nó.
Tân quán quân Giọng hát Việt nhí không chỉ bị “ném đá” về tài năng, về giọng hát mà đã ghét thì “ghét cả đường đi lối về”. Không ít fan của Công Quốc “soi” Hồng Minh từ cách cô bé biểu lộ cảm xúc khi đăng quang, đến những lời chia sẻ sau khi biết mình đã giành ngôi vị cao nhất.
“Giả tạo”, “nhỏ tuổi mà đã toan tính”, “đăng quang mà bị dân chửi thì có vui”… là những bình luận mà người lớn dành cho đứa trẻ đáng tuổi con, tuổi cháu họ.
Trước đây, khi Quang Anh giành ngôi vị Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 trước Phương Mỹ Chi cũng đã có không ít lời ra tiếng vào. Cậu bé phải hứng chịu hàng loạt “búa rìu” dư luận cùng những lời lẽ cay độc. Hết tin đồn ban tổ chức dàn xếp kết quả, thiên vị Quang Anh, “dìm hàng” Mỹ Chi, họ còn thêu dệt việc gia đình cậu bé mua giải.
Trong các phiên bản nhí của không chỉ Giọng hát Việt mà nhiều chương trình giải trí khác, sự hồn nhiên, vui vẻ của con trẻ là điểm tạo nên điểm nhấn và hút khán giả.
Nhưng đằng sau sự hồn nhiên đó là những cuộc chiến ngầm của người lớn. Ban tổ chức mượn sự vô tư, nước mắt của con trẻ để kinh doanh, người lớn không chỉ được giải trí mà còn tha hồ bình phẩm, “làm xiếc trên bàn phím”.
Giọng hát Việt nhí là sân chơi của những đứa trẻ và thí sinh cũng chỉ là những cô cậu bé đang ở cái tuổi “thần tiên”, đã là sân chơi của trẻ con thì không nên làm hoen ố tâm hồn trẻ thơ chỉ vì tâm lý hơn thua của người lớn.
Những đứa trẻ thời @
Mỗi mùa Giọng hát Việt phiên bản “nhí” lên sóng, những câu chuyện hậu trường luôn được kể “đính kèm” để thêm phần hấp dẫn. Thí sinh nhí có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nuôi ước mơ theo đuổi nghệ thuật.
Rồi hình ảnh những bậc cha mẹ vất vả mưu sinh nhưng vẫn cố dành dụm tiền bạc để đưa con đi thi, vừa mong con nổi tiếng, vừa để con theo đuổi đam mê. Hay chuyện những em bé nhỏ tuổi trước sức ép và lịch tập kéo dài của cuộc thi đã sốt, ốm, đổ bệnh nhưng vẫn miệt mài tập luyện và “vững vàng”, “cháy hết mình” trên sân khấu.
Rồi chuyện các cô cậu bé được huấn luyện viên biến thành những “người lớn thu nhỏ”, “bản sao của mình” khi muốn các em hát và trình diễn những thể loại, phong cách huấn luyện viên thích, còn học trò chưa đủ tuổi đời và sự trải nghiệm để “cảm” hết lời ca.
Những câu chuyện đó năm nào cũng diễn ra và ở cuộc thi nào cũng có. Người ta cũng cảnh báo nhiều về việc trẻ con bị “đánh cắp” tuổi thơ, khi thay vì nghỉ hè thì phải lên thành phố, dốc toàn tâm toàn lực để tập tành thi thố, đến khi quay lại trường, phải học ngày học đêm để theo kịp bạn bè vì năm học mới đã sang.
Nhưng những “sân chơi”cho trẻ em vẫn mọc lên như nấm. Hết Giọng hát Việt “nhí”, Gương mặt thân quen “nhí”, Bước nhảy hoàn vũ “nhí”, Đồ rê mí, Nhí tài năng rồi đến Việt Nam Got Talent cũng toàn thí sinh nhí tham gia.
Những đứa trẻ bây giờ không còn mê chơi ô ăn quan, trốn tìm, hay nhảy dây như tuổi thơ của những 7x, 8x, mà các các em được tiếp xúc sớm với công nghệ, với thế giới bên ngoài qua đủ các thiết bị từ máy tính, tivi, đến iPhone, iPad.
Và giấc mơ của trẻ em thời @ bây giờ cũng đã khác. Các em mơ thành người nổi tiếng như ca sĩ nọ, diễn viên kia, “không cần học hành mà vẫn được tung hô”.
Giấc mơ trở thành “người nổi tiếng” đã được gieo mầm và nuôi lớn trong những em bé khi tuổi còn rất nhỏ. Và đôi khi giấc mơ đó được xuất phát từ mong muốn, ước mơ của cha mẹ.
Điều này lý giải tại sao, giữa thời bão hòa gameshow giải trí nhưng chương trình dành cho trẻ em vẫn cực kỳ ăn khách. Vì đơn giản nó là bàn đạp để phụ huynh và những đứa trẻ thời @ thực hiện ước mơ nổi tiếng của mình.
Những Phương Mỹ Chi, Quang Anh và cả Thiện Nhân đều phải sống không đúng tuổi thực, khi luôn bị “soi” trong từng hành động ngoài đời.
Việc nổi tiếng quá sớm, cùng sự kỳ vọng từ công chúng cũng dễ tạo ra sự ảo tưởng, ngông cuồng, sự tự cao, tự đại về giá trị bản thân trong đứa trẻ.
Khi ảo tưởng đổ vỡ, ước mơ không thành, đứa trẻ có thể bị mất tự tin, phương hướng. Hoa hậu Ngọc Hân đã tâm sự về ước mơ nổi tiếng của đứa cháu gái trong buổi góp ý văn kiện Đại hội Đảng.
Cô có lý khi lo lắng giới trẻ ngày nay dễ dàng nổi tiếng quá và chạy theo hào nhoáng showbiz dù tài năng chưa có, cộng thêm công nghệ lăng xê của truyền thông đã làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý con trẻ.
Mong phụ huynh đừng biến con mình thành đứa trẻ công nghệ, thực hiện những ước mơ do người lớn lập trình, để tuổi thơ em được bình yên.