Nhân lực ngành CNTT: Đã đến lúc phải đào tạo theo hướng tích hợp

GD&TĐ - “Hệ thống đào tạo hiện nay không nên quá thiên về lối cũ, học ngành gì chỉ có bằng ngành ấy mà không có thêm các kỹ năng, nhất là lại rất cần như CNTT”- bà Phạm Chi Lan cùng một số chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về nhân lực CNTT (IT) trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, ngày 28/11.

Sinh viên CNTT cần được đào tạo thêm một chuyên ngành để thích ứng công việc tốt hơn?
Sinh viên CNTT cần được đào tạo thêm một chuyên ngành để thích ứng công việc tốt hơn?

Bí nhân lực IT

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Cần có một sự thay đổi mạnh về nguồn nhân lực cho lĩnh vực IT. Bởi, hàng năm chúng ta đào tạo khá nhiều, nhưng thực tế vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực”.

“Hệ thống đào tạo ngành IT hiện nay chủ yếu là kỹ năng sử dụng IT, không đào tạo cho các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau” - bà Phạm Chi Lan phân tích - “Một kỹ sư IT không thể làm việc trong lĩnh vực y tế, ở đó đòi hỏi những kỹ thuật, yêu cầu về chuyên môn; Hay trong thương mại điện tử có những ngành khác nhau, cung cấp các dòng sản phẩm khác nhau…

Các ngành kỹ thuật khác cũng không đào tạo được nhân lực IT cho riêng mình… Nên chăng, cần có sự liên kết giữa các trường chuyên đào tạo IT với các trường chuyên ngành về các lĩnh vực khác, để nhân lực IT sau này ít nhất có 1 năm hoặc hơn 1 năm được đào tạo chuyên ngành mà họ sẽ làm việc. Ngược lại, trong đào tạo các ngành chuyên môn khác, có thể có được 1 năm đào tạo tương đối đầy đủ kiến thức về IT, để sau này làm trong lĩnh vực nào cũng có chuyên môn về IT”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu thay đổi cơ cấu nội dung các chương trình đào tạo hiện nay sẽ có thời gian để thực hiện hướng “tích hợp” như trên. “Đào tạo hiện nay có rất nhiều nội dung thừa, ra trường thật sự không dùng đến” - chuyên gia kinh tế này nêu - “Vì thế không cần phải nâng thời gian đào tạo từ 4 năm lên 5 năm. Vẫn 4 năm đại học, nhưng kết cấu chương trình tốt, một người học IT chỉ cần 3 năm học chuyên ngành, còn 1 năm có thể học thêm chuyên ngành khác.

Hoặc ngược lại, chỉ cần 3 năm học chuyên ngành nào đó, còn dành 1 năm cho IT… Như vậy, sẽ có nguồn nhân lực làm việc được cả trong 2 lĩnh vực. Nếu không làm vậy thì cách nào có thể tăng thêm tới cả triệu nhân lực làm trong lĩnh vực CNTT vào năm 2020? Tôi nghĩ đây là con số thật, nhu cầu thật, vì thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay rất bí trong tuyển dụng nhân lực IT”.

Tuyển đã khó, “giữ chân” còn khó hơn

Tại Việt Nam, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT (công nghiệp phần mềm, phần cứng điện tử, dịch vụ CNTT, nội dung số) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Ước tính riêng trong năm 2017, số lượng lao động thuộc lĩnh vực CNTT có khoảng 922.000 người (tăng 22,5% so với năm 2016).

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, Việt Nam xếp vào nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Việt Nam xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, xếp thứ 81/100 về lao động có chuyên môn cao. So sánh với nguồn nhân lực ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xếp sau Malaysia, Philippines, Thái Lan. 

Ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) cho biết: “Phát triển nhân lực cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số cũng nằm trong phát triển nguồn nhân lực chung của Việt Nam”. Chuyên gia nghiên cứu này chỉ ra rằng, thiếu hụt nhân lực CNTT làm cho lĩnh vực thương mại điện tử là câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại. Nhưng thách thức hơn cả vấn đề thiếu hụt, không tuyển dụng được, là việc “giữ chân” được nhân lực đang làm việc.

Cùng với việc cần thay đổi trong đào tạo, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh phải thay đổi quan điểm về tuyển dụng, đào tạo đối với những người làm quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo bà Phạm Chi Lan, nếu những người này không có kỹ năng làm việc bằng CNTT để kiểm soát thương mại điện tử thì làm sao quản lý tốt được. “Không biết không thể làm được”- Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh - “Các cơ quan quản lý nhà nước phải có khả năng kết nối được với nhau, để làm việc liên kết, liên thông trong nội bộ một Bộ, cũng như giữa các bộ ngành khác nhau.

Như vậy mới giúp cho việc hoạch định, triển khai các chính sách về thương mại điện tử được nhất quán. Đây là khâu rất quan trọng, bên cạnh các ngành, doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ quản lý IT cho khu vực Nhà nước vô cùng cần thiết. Dường như, hiện nay, các cơ quan Nhà nước chưa có tiêu chuẩn về đội ngũ làm về lĩnh vực này”.

TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) chia sẻ quan điểm của bà Phạm Chi Lan về vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực thương mại điện tử: “Liệu có nên bỏ cái cách cán bộ tự tạo cho mình công cụ quản lý? Đã quản lý thường thiên về tìm cái gì có lợi cho mình, nhẹ nhàng cho mình, có gì khó thì đẩy cho thiên hạ. Đây là một phản ứng rất tự nhiên của con người… Nếu cần thiết phải ban hành cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ để quản lý. Một khi đã có cẩm nang anh sẽ phải học, nâng cao năng lực quản lý, để anh có thể làm”.

Nhu cầu nhân lực ngành CNTT tăng, nhưng vẫn còn đó tình trạng vừa thừa vừa thiếu về nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, vẫn thừa rất nhiều nhân lực được đào tạo cơ bản, song lại thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành tốt, có khả năng ngoại ngữ, hay kể cả kỹ năng mềm, làm việc nhóm… Trong khi đó, thực tế sôi động ở lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng, nền kinh tế số nói chung, hay cuộc Cách mạng CN 4.0… không “dừng lại” để chờ nhân lực CNTT chuyển biến chậm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.