Nhân lực là nguồn vốn quý giúp cộng đồng khởi nghiệp tự tin và phát triển

GD&TĐ - Chiều 27/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức” được tổ chức tại Hà Nội chiều 27/11
Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức” được tổ chức tại Hà Nội chiều 27/11

Tại diễn đàn, đại biểu Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Công ty quế hồi Việt Nam Vinasamex nêu ý kiến: Để tạo ra sản phẩm tốt, các doanh nghiệp cần không ngừng áp dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh của mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong vấn đề nguồn nhân lực. 

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho các cơ quan tổ chức khảo sát đánh giá về sự thay đổi trình độ nhân sự cho đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, mục tiêu để đào tạo nguồn nhân lực để có nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh trong thời kì hiện nay, để cộng đồng khởi nghiệp tự tin và phát triển.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Nhân lực là nguồn vốn quý của quốc gia, là tài sản của doanh nghiệp. Để có nguồn vốn này thì phải tiếp cận từ sớm, từ bậc học phổ thông, bậc nền tảng.

Thủ tướng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì Đề án 522 Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025, trong đó hồn cốt là gắn đào tạo với thực tiễn để ngay từ trẻ trong quá trình học cũng gắn với thực tiễn.

Cùng với đó là Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước. Trong đề án này, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng; thiết kế chương trình đào tạo gắn với đầu ra, gắn với người sử dụng và chuẩn hóa theo quốc tế. Với cách làm như vậy, chất lượng của nhiều chương trình đào tạo của các trường sẽ được nâng cao, kiểm soát được chất lượng.

Hàng năm ra trường khoảng 350-400.000 các em sinh viên đại học ở các ngành nghề. Số lượng như vậy không nhiều so với dân số 100 triệu. Tuy nhiên chất lượng đào tạo mặc dù được cải thiện nhưng kĩ năng để thích ứng với môi trường thực tiễn, trong đó tiếng Anh và CNTT phần lớn chưa được cao.

Đây là những điểm yếu mà Đề án sẽ khắc phục để khi sinh viên tốt nghiệp. Ngoài kiến thức thì sinh viên sẽ được rèn luyện các kĩ năng mềm, đặc biệt là kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tiếp cận văn hóa doanh nghiệp, ngoại ngữ ở mức độ giao tiếp thực tế cũng như kĩ năng chuyển đổi số, CNTT.

"Với những kĩ năng ấy thì tôi tin doanh nghiệp sẽ giảm thời gian chi phí đào tạo lại. Quan trọng là gắn kết được. Trong quá trình học thì học sinh cũng tự học và chúng tôi mở chương trình CNTT du lịch hay một số lĩnh vực khác, các doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo với một hệ sinh thái khởi nghiệp" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì Đề án 1665 Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Qua 3 năm thực hiện thì thu hút được đông đảo sinh viên tham gia, tạo hiệu ứng tốt. Cùng với Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 thì Đề án 1665 đã có sức lan tỏa về khởi nghiệp trong HSSV rất tốt.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp, ban hành chuẩn đối với đơn vị khởi nghiệp; đề án về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Bộ cũng rất chú trọng đến đề án về phát triển giảng viên đại học. Đề án 89 của Chính phủ rất chú trọng đến đội ngũ giảng viên. Như vậy đã có rất nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng, để làm sao hiệu quả đào tạo tăng lên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại diễn đàn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại diễn đàn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Lê Hưng- giảng viên Đại học Cầu đường Paris về chính sách thu hút nhân tài, đặt hàng đội ngũ trí thức trẻ từ nước ngoài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Hiện nay Việt Nam có khoảng 190.000 lưu học sinh ở các nước khác nhau, số học sinh tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, đang học, làm việc ở nước ngoài rất nhiều.

Thời gian qua đã có nhiều chính sách thu hút nhưng thực sự vẫn chưa hấp dẫn được những trí thức nước ngoài về nước làm việc. Vấn đề không phải là chính sách đãi ngộ mà chính là chỗ làm việc của các trí thức có trình độ cao ở nước ngoài về nước. Đó là việc làm ở các trường đại học, nơi có đồng nghiệp, để làm sao chính các trường đại học phải là nơi thu hút được các nhà khoa học này chứ không phải là các cơ quan hành chính.

“Do vậy, chúng tôi đang cố gắng thành lập những nhóm nghiên cứu đặc biệt nhóm nghiên cứu mạnh để có thể kết nối với nhau trong quá trình làm việc, để có thể chia sẻ được kiến thức, thông tin. Chúng tôi tin rằng tới đây sẽ từng bước thành lập các nhóm như vậy thì mới giữ chân được đội ngũ trí thức trẻ từ nước ngoài. Giữ chân không phải là về nước hẳn mà tạo được một mối quan hệ bền vững thông qua hiệu quả của hợp tác”- Bộ trưởng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.