Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhân hiệu và thương hiệu là hai phạm trù không tách rời nhau. Nhân hiệu tạo nên thương hiệu, gắn liền với thương hiệu, nhưng theo chiều ngược lại, thương hiệu cũng tạo nên giá trị cho nhân hiệu, sự vẻ vang cho nhân hiệu.
Muốn tạo dựng nhân hiệu, thì trước tiên, phải dạy cho con người có khát vọng. Một con người có khát vọng lớn lao, ý chí mãnh liệt, phấn đấu bền bỉ, sẽ tạo nên nhân hiệu cho bản thân, tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp mình gầy dựng, thương hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp tạo ra phục vụ cộng đồng.
Trên thế giới, chúng ta thường thấy những nhân hiệu lẫy lừng gắn với các thương hiệu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thay đổi thế giới, như thương hiệu Ford gắn với Henry Ford, thương hiệu Microsolf gắn với nhân hiệu Bill Gates, Facebook gắn với Mark Zuckerberg, Steve Jobs gắn với Apple, Kentucky gắn với KFC…
Tại Việt Nam, cũng có những nhân hiệu ấn tượng gắn với các thương hiệu được nhiều người biết đến như ông Phạm Nhật Vượng gắn với VinGroup, Đoàn Nguyên Đức gắn với Hoàng Anh Gia Lai, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gắn với cà phê Trung Nguyên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo gắn với Vietjet, Trương Gia Bình gắn với FPT, ông Vũ Minh Châu gắn với vàng Bảo Tín…
Những nhân vật lẫy lừng trên thế giới và ở Việt Nam kể trên chính là người sáng lập nên thương hiệu đó. Vậy phải chăng nhân hiệu luôn đi trước thương hiệu? Nhưng chúng ta cũng thấy một điều rằng, chỉ khi thương hiệu nổi bật, được đông đảo công chúng biết đến, thì truyền thông mới tò mò về việc ai là người tạo lập và xây dựng nên thương hiệu danh tiếng ấy?
Và khi những thông tin về nhân vật sáng lập thương hiệu cùng triết lý sống, làm việc, phong cách của người ấy luôn được truyền thông đưa lên thành tin tức, thì nhân hiệu của người đó mới tăng giá trị lên không ngừng. Còn trước đó, nhân hiệu của người sáng lập thương hiệu chỉ được giới kinh doanh cùng lĩnh vực, hoặc có liên quan biết tới mà thôi.
Như vậy, thương hiệu và nhân hiệu luôn tương tác, tạo nên nhau và tăng giá trị cho nhau, hoặc ngược lại. Có những trường hợp, khi nhân hiệu đổ thì thương hiệu cũng mất!
Vì sao mà nhân hiệu lại đổ?
Có những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau khiến một nhân hiệu đổ sụp. Xét trên khía cạnh chủ quan, nhân hiệu đổ phần nhiều do khát vọng kém, con người “chưa làm to đã lo giữ của”. Người đó kinh doanh nhưng chỉ lo kiếm chác mà thôi nên không phát triển được bản thân, không nâng tầm mình lên cao được. Khi đã không có TÂM, thì sẽ thiếu TẦM.
Cũng có những doanh nhân, tạo dựng được nhân hiệu cho mình, gầy dựng được doanh nghiệp có thương hiệu uy tín. Nhưng sau khi doanh nhân này đã cao tuổi, sức khỏe sa sút, thì doanh nghiệp cũng yếu đi do không tìm được truyền nhân để tiếp nối. Đây là một vấn nạn trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, khi không tìm được đội ngũ kế cận xứng đáng.
Một trong những nguyên nhân là do thói “tham quyền cố vị” nên khư khư giữ vị trí, và không chịu đào tạo nhân sự kế cận. Có một thực tế là khi tôi đi thăm những doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, thì thấy khu vực đào tạo của họ rộng mênh mông, trang bị hiện đại, và họ liên tục đào tạo nội bộ.
Trong khi đó, tại các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết chưa có khu vực đào tạo. Chúng tôi nhận thấy rằng, doanh nghiệp phải là một trường học, đào tạo kỹ năng, dạy khát vọng, ý chí cho cán bộ, nhân viên thường xuyên, để tự nâng tầm, để luôn có đội ngũ kế cận sẵn sàng nhận vị trí để tiếp tục đưa doanh nghiệp tiến lên. Việc đào tạo, dạy học trong doanh nghiệp là bắt buộc, nếu doanh nghiệp muốn phát triển vững bền.
Bên cạnh những nhân hiệu chủ lực, thì doanh nghiệp cần liên tục tạo ra nhân tố mới, và phải kỳ vọng nhân tố mới còn phát triển mạnh hơn, tốt hơn nhân tố cũ, đủ năng lực gánh vác một doanh nghiệp lớn hơn.
Mơ ước của tôi là mở một Học viện chuyên đào tạo những nhà lãnh đạo mới. Trong đó chúng tôi tập trung rèn ý chí, sức chịu đựng như trong quân đội, và dạy khát vọng lớn, để tạo nên những nhân hiệu lớn cho đất nước.