Hội nghị cấp cao Hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng chủ trì kết thúc sau hai ngày diễn ra ở thủ đô Paris, với một bản tuyên bố chung.
Hơn 1500 đại biểu từ gần 100 quốc gia đã tham dự. Lãnh đạo và đại diện của 61 quốc gia đã ký tuyên bố chung kết thúc sự kiện.
So với hai hội nghị trước ở Anh và Hàn Quốc, hội nghị năm nay ở Pháp nhìn chung có được sự đồng thuận quan điểm về khả năng tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng của AI tới nhân loại và thế giới; tương lai của AI; kiểm soát và quản lý việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Có thể thấy, cách tiếp cận của hội nghị trên những phương diện ấy thức thời và đúng đắn khi bản tuyên bố chung xác định cần phải phát triển AI “cởi mở, toàn diện, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.
Tinh thần và lời văn của bản tuyên bố chung đều ẩn chứa sự coi trọng đặc biệt việc xây dựng hệ thống và hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bền vững và toàn diện. Mỹ và Anh không tham gia ký tuyên bố chung này với lý do chưa hài lòng về mức độ sâu rộng và đầy đủ trong đề cập đến mọi khía cạnh của trí tuệ nhân tạo, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và nhiều thành viên EU… đều đồng tình với bản tuyên bố chung.
Hội nghị tại Pháp lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong thế giới hiện đại. Trí tuệ nhân tạo được nhìn nhận là sự hiện thân của cuộc cách mạng mới về khoa học và công nghệ, giúp tăng năng suất và đổi mới cơ bản sản xuất, làm thay đổi sâu sắc cơ hội cũng như thách thức cho việc thực thi lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh.
Phần lớn những tham luận, tranh luận và phát biểu tại hội nghị đều tập trung đề cập đến hai vấn đề chính: Đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng; kiểm soát, quản lý và chế tài việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Cũng vì hai vấn đề này mà hình thành sự cần thiết về hợp tác giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới. Qua đó, có thể thấy hội nghị cấp cao ở Paris về AI là bước tiến rất tích cực và có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố và soi sáng cho những bước chuyển biến tiếp theo và đã đưa ra được nhiều gợi mở rất thiết thực.
Cũng tại sự kiện này, Pháp và EU tuyên cáo những chiến lược và chương trình đầu tư với quy mô tài chính lớn cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.
Sự ra đời của ứng dụng DeepSeek R1 của hãng DeepSeek (Trung Quốc) gây chấn động trong thế giới trí tuệ nhân tạo vì chi phí sản xuất quá thấp so với những ông lớn về công nghệ cao ở Mỹ và trên thế giới.
Hiện tượng này tác động đa chiều tới diễn biến hội nghị bởi vừa chứng minh có thể phát triển AI với chi phí thấp vừa đưa Trung Quốc trở thành thách thức và đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ và EU.
Hội nghị tại Pháp cũng còn cho thấy trên thế giới bắt đầu định hình cuộc ganh đua giữa Mỹ, EU và Trung Quốc về ưu thế và vị thế nổi trội nhất thế giới về AI.