Loay hoay thoát khó

GD&TĐ - Nước Pháp bước sang tuần thứ 8 không có chính phủ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Lần đầu tiên trong 66 năm tồn tại đến nay của nền Cộng hoà thứ 5 (từ 1958), nước Pháp lâm vào tình trạng như vậy.

Nguyên do là cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vừa rồi tạo ra cục diện có 3 khối quyền lực mà không có khối nào giành về được đa số tuyệt đối để có thể thành lập chính phủ.

Đảng của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron thất cử, bị đẩy xuống vị trí thứ hai trong khi cả hai khối còn lại là liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) và đảng cánh hữu, cực hữu, dân tuý, dân tộc chủ nghĩa Tập hợp Quốc gia (RN) đều không ủng hộ phe cánh chính trị của ông Macron lại thành lập chính phủ. Liên minh cánh tả NFP là phe cánh chính trị lớn nhất trong Quốc hội mới, phe ông Macron ở vị trí thứ hai và đảng RN ở vị trí thứ ba.

Trên thực tế, đảng của ông Macron không còn cơ hội để lại thành lập chính phủ. Thông thường ở các nước Phương Tây, phe giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử thường phải được giao quyền thành lập chính phủ nếu các đảng khác không liên minh với nhau để có được đa số tuyệt đối.

Việc chính phủ mới thành lập ấy sau đó có được Quốc hội phê chuẩn hay không lại là chuyện khác. Phe NFP và NR ở hai phía của quang phổ chính trị nước Pháp, tức là khác biệt quan điểm với nhau rất cơ bản, nhưng lại cùng ý chí, quyết tâm hạ bệ quyền lực của ông Macron cũng như phe cánh chính trị của người này.

Ông Macron kiên quyết cự tuyệt việc đề cử người của liên minh NFP đứng ra thành lập chính phủ, tìm cách phân rẽ nội bộ liên minh này để thu phục một vài đảng nhỏ trong liên minh NFP để họ rút và liên minh với đảng của ông. Bằng cách này, ông Macron nhằm mục tiêu làm cho liên minh NFP không còn là phe cánh chính trị lớn nhất trong Quốc hội nữa và phe cánh của ông có thể đứng ra thành lập chính phủ với đa số hoặc là chính phủ thiểu số.

Ngăn cản phe liên minh cánh tả, tức là bên thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vừa qua, thành lập chính phủ mới là cách thức duy nhất hiện ông Macron có được để sửa chữa sai lầm với quyết định giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn sau thất cử ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 năm nay.

Chỉ như thế, ông mới có thể cứu vãn được tương lai và di sản chính trị của mình ở nước Pháp. Cùng cầm quyền với phe liên minh cánh tả là ác mộng thực sự đối với ông Macron vì phe này đã tuyên bố không để ông muốn cầm quyền thế nào cũng được, sẽ lật ngược không ít kết quả cầm quyền cho đến nay của Tổng thống Pháp và sẽ can dự chứ không phó mặc muốn làm gì thì làm về đối ngoại.

Tình thế hiện tại thật sự rất khó khăn và khó xử đối với ông Macron. Trong hơn 7 tuần qua kể từ sau ngày bầu cử Quốc hội trước thời hạn, ông xoay xở mãi mà vẫn chưa thoát được ra khỏi tình trạng ấy. Không thành lập được chính phủ thì nước Pháp chẳng khác gì bị tê liệt về chính trị và ông Macron không thể cầm quyền thành công.

Để nhanh chóng có được chính phủ mới thì ông phải chấp nhận không ít nhượng bộ và thoả hiệp đau đớn với phe liên minh cánh tả. Chậm thành lập chính phủ mới hay khủng hoảng chính phủ đều vô cùng tai hại đối với nước Pháp và cá nhân Tổng thống Pháp.

Phe cánh cầm quyền thất thế, tổng thống ứng phó lúng túng, bị động cùng với mất ổn định chính trị - xã hội lại là những điều kiện rất thuận lợi cho cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy mạnh mẽ ở nước Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.